Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng

Thứ năm - 10/06/2021 19:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Bên cạnh những lợi ích, như: Cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí…, internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, mất an toàn đối với trẻ. Vì vậy. làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng là vấn đề lớn được đặt ra hiện nay, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ phải ở nhà, trong khi các hình thức giải trí vô cùng nghèo nàn.
1c73e7f582a676f82fb7.jpg
Trẻ sử dụng internet để học online trong tình hình dịch bệnh
Nhu cầu sử dụng internet của trẻ ngày càng cao
Là một trong những học sinh học online tại nhà trước khi kết thúc năm học, em Trương Quỳnh Anh, học sinh lớp 7, Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) cho biết, để đảm bảo việc học tập online, cha mẹ đã trang bị cho em một chiếc điện thoại có kết nối internet. Thời gian học vào ban ngày, cha mẹ đều đi làm nên cứ đến giờ học em tự mở điện thoại lên rồi học. So với việc lên lớp, học online ở nhà tuy không vui bằng nhưng lại phù hợp và an toàn trước tình hình dịch bệnh. Chưa kể vào giờ giải lao hoặc kết thúc buổi học, em được sử dụng điện thoại để giải trí.
Không chỉ sử dụng internet vào việc học, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, bùng phát và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động, nhất là các hoạt động tập trung đông người. Thay vào đó, các hình thức trực tuyến được khuyến khích thực hiện. Vì vậy trẻ lại càng có nhiều cơ hội sử dụng internet.
Ngoài nhu cầu sử dụng internet vào việc học, hầu hết trẻ em hiện nay được tiếp cận với internet từ rất sớm và chủ yếu là để phục vụ nhu cầu giải trí. Em Đặng Quốc Hùng (10 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) chia sẻ, trong năm học, em phải dành nhiều thời gian cho việc học nên cha mẹ chỉ cho xem tivi vào khoảng 17-18 giờ sau khi đi học về và trước khi ăn cơm, vào ngày cuối tuần.
Còn vào dịp hè, nhất là hè năm nay vì dịch bệnh học sinh được nghỉ hè sớm hơn, lại không phải đi học thêm nên Quốc Hùng chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Không có trò gì để chơi, em chỉ biết làm bạn với tivi. Ban ngày cha mẹ đều đi làm, ở nhà chỉ có mấy anh em nên có khi ngồi xem tivi cả buổi. Tivi có kết nối internet nên chỉ cần mở YouTube là có đủ thứ để xem, từ hoạt hình cho đến các video clip của các youtuber…
Ở độ tuổi lớn hơn nên em Nguyễn Chí Thành, ở KP.11, P. Tân Phong không có hứng thú xem các chương trình trên Youtube nhưng ngược lại lại rất mê mẩn với các trò chơi điện tử. Thành cho biết, cha mẹ em đều làm công nhân, sáng đi chiều mới về, nhà chỉ có 2 anh em nên cha mẹ trang bị cho em một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Dịch bệnh nên cha mẹ trước khi đi làm đều dặn không được ra đường tụ tập bạn bè nên em thường sử dụng điện thoại để chơi trò chơi điện tử còn tivi thì nhường cho em gái sử dụng. Chỉ có như vậy, mỗ ngày nghỉ hè ở nhà mới bớt nhàm chán.
Dạy trẻ kỹ năng sử dụng internet một cách thông minh
Trong chương trình livestream Lên mạng an toàn thời Covid-19 diễn ra mới đây, chị Nguyễn Như Quỳnh, Chủ tịch Cyberkid Việt Nam (Tổ chức Xã hội bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng) cho rằng, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn khi sử dụng internet vẫn có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, so với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ tổn thương hơn, hệ lụy để lại cũng nặng nề hơn.
Theo chị Như Quỳnh, khi thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bị lộ, trẻ rất dễ bị xâm hại, lôi kéo, lợi dụng. Thủ đoạn mà kẻ xấu thường dùng đó là  gọi điện thoại trực tiếp mời trẻ tham gia một cuộc thi sắc đẹp nhí và để tham gia trẻ hãy gửi ảnh chụp bikini vì cuộc thi sắc đẹp thường có phần thi này. Hoặc kẻ xấu sẽ kết thân với trẻ để dụ trẻ yêu online. Hoặc các đối tượng mời trẻ vị thành niên đi chụp ảnh người mẫu thời trang để kiếm thêm thu nhập… Khi có được những hình ảnh nhạy cảm của trẻ, kẻ xấu sẽ sử dụng để xâm hại trẻ, tống tiền phụ huynh hoặc lôi kéo trẻ tham gia vào các hoạt động chống phá nhà nước trái với quy định của pháp luật, như: Gửi tin nhắn truyền bá các tư tưởng dị giáo, tham gia các hội không chính thống, tham gia biểu tình… làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đã có rất nhiều giải pháp được đề ra Tuy nhiên, theo anh Ngô Minh Hiếu, kỹ sư tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại buổi livestream Lên mạng an toàn thời Covid-19, gia đình là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mất an toàn trên mạng. Theo đó, phụ huynh lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình; sử dụng thêm công cụ giám sát để đưa ra các biện pháp hợp lý với trẻ.
Chị Như Quỳnh, lưu ý các phụ huynh tuyệt đối không cấm đoán trẻ mà thay vào đó hãy đề ra những nguyên tắc dựa trên kết quả thỏa thuận giữa cha mẹ và trẻ về việc sử dụng internet như thế nào là an toàn và hợp lý. Đặc biệt, khi đã đạt được thỏa thuận, cha mẹ phải là người làm gương; dạy trẻ kỹ năng sử dụng internet một cách thông minh để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Khánh Ngân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây