Ngày 21-12, Bộ VH-TTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ trì phía Bộ VH-TTDL - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai có Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân.
Theo Bộ VH-TTDL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. -Trong đó, điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Với du lịch văn hóa năm 2021 đạt doanh thu là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19). Tuy nhiên sang năm 2022, du lịch văn hóa đã có bước phục hồi ấn tượng khi ước đạt 495.000 tỷ đồng…
Tại Đồng Nai, từ năm 2016 đến nay, Sở VH-TTDL tiếp nhận và giải quyết hơn 378 hồ sơ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, toàn tỉnh có hơn 100 cuộc triển lãm, hội thi nhiệp ảnh, mỹ thuật chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, các sự kiện chính trị của tỉnh, phục vụ khoảng 50.000 lượt người xem. Đồng Nai đã thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh, một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng các rạp chiếu phim 3D, 4D ở các Trung tâm thương mại. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 10 rạp chiếu phim ở cá huyện Long Thành và thành phố Long Khánh, Biên Hòa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho kinh tế - xã hội; kêu gọi được đầu tư cho văn hóa để văn hóa thật sự trở thành nguồn tài nguyên vô tận, phát huy mạnh mẽ sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước.