Sau 9 năm thực hiện, Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã tác động để hình thành nên các nhóm chăn nuôi cũng như bước đầu hình thành các chuỗi chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ khép kín. Ðây được xem là những viên “gạch móng” để hình thành các chuỗi chăn nuôi sinh học thời gian tới.
Thay đổi cách chăn nuôi của nông hộ
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi heo. Trước đây, cũng như hàng trăm hộ cùng nghề trong vùng, gia đình bà Cúc chủ yếu chăn nuôi heo bằng kinh nghiệm. “Trước cha mẹ mình nuôi sao, sau mình nuôi vậy. Chỉ khác trước đây chủ yếu tận dụng thức ăn dư thừa để nuôi, còn nay có cám công nghiệp, còn lại thì cứ theo lối cũ mà nuôi”, bà Cúc cho hay.
Dự án Lifsap tác động hình thành các nhóm chăn nuôi GAHP góp phần tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nông hộ. Trong ảnh: Một trại heo thuộc nhóm GAHP xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.
Cũng từ lối chăn nuôi kiểu truyền thống nên bà Cúc gần như không có nhiều kiến thức về chăn nuôi heo sạch. Chăn nuôi heo đối với bà Cúc lúc bấy giờ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cám công nghiệp và các loại thuốc thú y.
Năm 2013, sau khi được vận động, bà Cúc quyết định tham gia vào chương trình thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP) do dự án Lifsap hỗ trợ. Cũng từ đây, người phụ nữ này được tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức về chăn nuôi heo sạch. Bà Cúc cho hay, khi tham gia chương trình, bà cũng như 13 hộ khác trong Tổ hợp tác được tập huấn quy trình chăn nuôi heo sạch, hạn chế sử dụng thuốc thú y. Ngoài ra, các hộ tham gia cũng được tập huấn các kiến thức về cách sử dụng vắc xin theo từng độ tuổi của heo để phòng trừ dịch bệnh.
Ðặc biệt, một việc làm mà trước đây bà Cúc cũng như các hộ chăn nuôi khác chưa từng nghĩ đến là ghi nhật ký chăn nuôi cũng được dự án hướng dẫn. “Trước đây mình chỉ biết mua heo về nuôi. Nuôi lớn thì bán chứ làm gì nghĩ đến chuyện ghi chép”, bà Cúc cho biết.
Bên cạnh bồi dưỡng về kiến thức chăn nuôi, 13 hộ trong Tổ hợp tác của bà Cúc cũng được Lifsap hỗ trợ một máy trộn thức ăn chăn nuôi. Nhờ chiếc máy này, các thành viên trong tổ giảm được khoảng 2.000 đồng/10kg thức ăn khi tự phối trộn thay cho việc sử dụng cám công nghiệp. Quan trọng hơn, do heo được nuôi theo quy trình sạch nên được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ổn định. “Mỗi tháng Tổ hợp tác bán cho doanh nghiệp bao tiêu hơn 100 con heo. Ðầu ra ổn định nên chúng tôi rất an tâm”, bà Cúc nói.
Cũng giống như Tổ hợp tác GAHP xã Hưng Lộc, hơn 10 thành viên của Tổ hợp tác GAHP số 1, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc cũng rất an tâm vì không phải lo nghĩ đầu ra cho con heo như trước đây. “Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của dự án Lifsap, Tổ hợp tác đã tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo vào TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng Tổ hợp tác còn bán từ 150 - 200 con heo vào các hệ thống siêu thị của MM Mega Market”, ông Tạ Duy Thăng, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi GAHP 1, xã Xuân Thọ chia sẻ.
Giám đốc dự án Lifsap Ðồng Nai Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, sau 9 năm triển khai thực hiện dự án Lifsap, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 Tổ hợp tác GAHP với tổng số thành viên tham gia là 891 hộ. Trong số này, có 49 Tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP. Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ về quy trình thực hành chăn nuôi tốt, con giống thiết bị phục vụ chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học cho các nông hộ tham gia dự án. “Cái được lớn nhất là dự án đã góp phần thay đổi cách thức chăn nuôi cho các nông hộ. Từ đó, giúp các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hình thành cách chăn nuôi đúng quy trình, đảm bảo truy xuất nguồn gốc”, bà Hoài cho biết.
Cũng theo bà Hoài, không chỉ giúp đỡ cho các nông hộ chăn nuôi, dự án Lifsap cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng 33 cơ sở giết mổ hiện đại, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y và nâng cấp 41 chợ bán thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh.
“Hạt nhân” hình thành các chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, đến nay, dự án Lifsap đã kết thúc tại Ðồng Nai. Tuy nhiên, hoạt động của các nhóm chăn nuôi GAHP vẫn sẽ được duy trì dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. “Dự án chỉ tác động để thành lập các nhóm GAHP. Do đó, khi dự án kết thúc, các nhóm này vẫn sẽ duy trì hoạt động chứ không phải kết thúc theo dự án”, bà Hoài cho hay.
Việc tác động để hình thành các nhóm GAHP là định hướng trong mục tiêu lâu dài mà dự án Lifsap hướng đến, đó là hình thành các chuỗi liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nông hộ.
Ðến nay, trong khuôn khổ dự án đã hình thành được 2 chuỗi liên kết giữa các nhóm GAHP và các công ty giết mổ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Big C và MM Mega Market với sản lượng gần 50 con heo/ngày.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (doanh nghiệp đầu tư lò mổ Lifsap tại TP. Long Khánh) chia sẻ, qua hơn 7 năm tham gia dự án Lifsap đã tạo ra những thay đổi về quy trình giết mổ chặt chẽ, chú trọng truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu vào đến các trình tự giết mổ theo hướng hiện đại. Ðồng thời, việc vận chuyển các sản phẩm sau giết mổ cũng được thực hiện bằng xe chuyên dụng đến các nhà phân phối đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, khi dự án hoàn thành, công ty vẫn sẽ duy trì quy trình này để nâng cao hiệu quả giết mổ, ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, sau khi dự án Lifsap hoàn thành, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hướng tới phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Ðồng thời, triển khai kế hoạch, lộ trình sắp xếp quản lý giết mổ động vật theo quy hoạch đã phê duyệt, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi, hướng tới xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn.
Giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính tự phát
Theo ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó trưởng ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), dự án Lifsap khi triển khai tại Đồng Nai đã cơ bản giảm được số hộ chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, tự phát, dần xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín để có thị trường, giá cả đầu ra ổn định. Đây là kinh nghiệm tốt để Đồng Nai chủ động phát triển tiếp các mô hình chăn nuôi an toàn, chuỗi quy trình hệ thống sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn trong thời gian tới.
Quỳnh Nhi
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập