Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vừa đưa xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm vào hoạt động. Nhờ trang bị xe này, các đoàn thanh tra có thể kiểm tra nhiều mẫu, có ngay kết quả.
Lấy mẫu nhanh, test kịp thời
Ngày 5-7, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) đã tiến hành kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất).
5 giờ chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra ATTP liên ngành của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu một số loại rau đang được bày bán tại chợ đầu mối Dầu Giây. Tại sạp hàng của chị Trương Thị Ngắm, đoàn đã lấy một số loại rau như mồng tơi, cải… để làm kiểm nghiệm nhanh, có kết quả tại chỗ. Chị Ngắm cho hay, mỗi ngày sạp hàng của chị bán ra vài tạ rau. Do chị Ngắm mới tham gia bán hàng tại chợ được gần 1 tháng, chưa có nhiều “mối hàng” nên số lượng còn hạn chế. Các sản phẩm rau của sạp hàng được lấy từ các hộ dân ở khu đường Trường An chuyên trồng rau. “Người tiêu dùng chỉ cần thấy rau làm sạch sẽ, giá rẻ là mua. Tôi cũng muốn kinh doanh các loại rau sạch, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không có người mua vì giá cao hơn”, chị Ngắm chia sẻ.
Từ 4 giờ sáng, vựa Xuân Trường đã mở bán đến tận đêm khuya. Vựa này chuyên bán các loại rau, củ từ Đà Lạt, miền Bắc và miền Tây được gần 2 năm, từ khi chợ đầu mối Dầu Giây hoạt động. Mỗi ngày, vựa Xuân Trường bán được hơn 1 tấn hàng. Theo chủ vựa Xuân Trường, các loại hàng hóa đều có hóa đơn nhập hàng. “Thỉnh thoảng, có đoàn đến lấy mẫu kiểm tra. Ngoài ra, tôi cũng phải tham gia một số lớp tập huấn về bán hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm…”, anh Trường, chủ vựa cho hay.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh lấy mẫu để kiểm tra.
Giám đốc Công ty CP bất động sản Thống Nhất Trương Minh Tiến cho biết, hiện nay chợ đầu mối Dầu Giây có 152/160 sạp hàng đã đi vào hoạt động. Các sạp hàng ở chợ chia làm 2 mảng chính là bán các loại rau, củ tươi và trái cây. Các hộ kinh doanh tại đây phải có sổ nhập hàng. Tất cả các loại hàng hóa khi nhập vào chợ sẽ ghi rõ nguồn gốc cung cấp hàng. “Tỉnh giao cho chúng tôi phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Sắp tới, các loại hàng hóa vào chợ sẽ được kiểm nghiệm, dán tem. Từ đó, người tiêu dùng sẽ kiểm tra qua smart phone (điện thoại thông minh) để biết được nơi sản xuất. Người trồng sản phẩm phải tự cam kết với cơ quan quản lý về vấn đề ATTP”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, chủ trương này nhằm đảm bảo ATTP. Nhưng thực tế cho thấy, nguồn hàng có chứng nhận ATTP vào chợ chưa nhiều. Ban quản lý chợ đang dần thực hiện, trước mắt là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Sau đó, chợ sẽ nâng cấp việc kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả sạch từ các hộ, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap… Dự kiến, đầu năm 2020, chợ đầu mối Dầu Giây sẽ được mở rộng thêm 48 ha.
Trợ thủ đắc lực trong kiểm tra an toàn thực phẩm
BS. Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho hay, trong buổi chiều 5-7, đoàn liên ngành đã lấy 5 mẫu rau ngẫu nhiên đang được bày bán tại chợ Dầu Giây để kiểm nghiệm nhanh. Kết quả, có 1 mẫu dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Từ kết quả này, đoàn sẽ giao cho Chi cục Nông lâm thủy sản đưa mẫu này lên Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) để định lượng cụ thể về hàm lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm này.
Trước đây, các đoàn kiểm tra liên ngành không thể thực hiện được các test nhanh (kiểm tra nhanh) để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong các mặt hàng rau, quả. Các đoàn chỉ có thể lấy mẫu rồi gửi cho các trung tâm để kiểm nghiệm định lượng. Khi xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm đi vào hoạt động, những sản phẩm không đạt chất lượng, thực phẩm bẩn sẽ có kết quả sớm nhất. “Chiều 5-7, xe này chính thức đi vào hoạt động. Chúng tôi đã kiểm nghiệm được các mẫu lấy tại chợ đầu mối Dầu Giây và có kết quả ngay, chỉ sau hơn 1giờ”, ông Hữu chia sẻ.
Tiến hành kiểm tra mẫu rau ở chợ đầu mối Dầu Giây trên xe kiểm nghiệm nhanh.
Những tiêu chuẩn kiểm nghiệm được thực hiện trên xe này gồm: thực phẩm chứa phẩm màu, phụ gia thực phẩm hay dư lượng thuốc trừ sâu… Không phải đến bây giờ Đồng Nai mới áp dụng xét nghiệm mẫu thực phẩm tại chỗ mà hình thức này đã được thực hiện từ lâu trong các cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, trước đây, việc test chỉ thực hiện thủ công, lấy được rất ít mẫu, dụng cụ lỉnh kỉnh. Do đó, chỉ phục vụ được những cuộc kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra có kế hoạch do đó kết quả chưa được như mong muốn.
Ông Hữu cũng cho biết thêm, tỉnh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho xe kiểm nghiệm này với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Chiếc xe này sẽ phục vụ các đoàn thanh, kiểm tra về ATTP của 3 cơ quan: ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Công thương. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 xe chuyên dụng nữa để đáp ứng cho công tác kiểm tra ATTP. Việc trang bị xe kiểm nghiệm nhanh ATTP giúp các đoàn kiểm tra phát hiện sớm thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng để có hướng xử lý nhanh như tiêu hủy, truy xuất nguồn gốc và xử lý triệt để các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.
Trang bị đầy đủ thiết bị chuyên biệt
Xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên biệt như: tủ mát đựng mẫu và test thử, máy xay mẫu thực phẩm, thiết bị kiểm tra vệ sinh công nghiệp, kit thử độc tố, vi khuẩn, vi rút… Xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm có thể phát hiện nhanh hàn the, foocmon, phẩm màu, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất tạo nạc…trong các loại rau, củ quả, thịt, cá…
Thời gian trung bình cho kết quả test từ 30 phút đến 2 giờ. Từ kết quả kiểm nghiệm định tính trên xe, các cơ quan chức năng tiếp tục gửi mẫu để xét nghiệm chuyên sâu.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập