Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Đồng Nai, dù chưa xuất hiện ASF nhưng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh là rất cao. Do đó, cùng với thực hiện các biện pháp phòng ngừa, Đồng Nai cũng đang xem xét hỗ trợ người chăn nuôi với hình thức đơn giản, hiệu quả và kịp thời nhất khi xảy ra dịch bệnh buộc phải tiêu hủy đàn heo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh.
* P.V: Thưa ông, xin ông cho biết công tác chuẩn bị phòng, chống của Ðồng Nai trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ASF?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: Ngay từ khi ASF xuất hiện ở Trung Quốc và chưa xâm nhập vào Việt Nam thì Ðồng Nai cũng đã chuẩn bị kế hoạch hành động và có hàng loạt giải pháp để chuẩn bị. Sau đó, khi dịch xuất hiện ở Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc thì Ðồng Nai cũng đã có kế hoạch hành động rất cụ thể, kể cả phòng và chuẩn bị cho chống dịch. Ðến giờ này, tất cả các chỉ đạo, văn bản pháp luật đã được thực hiện đầy đủ, quyết liệt và tập trung từ cấp tỉnh đến huyện. Tất cả các giải pháp đều đã sẵn sàng.
* P.V: Xin ông cho biết những khó khăn chủ yếu mà Ðồng Nai hiện đang phải đối mặt trong công tác phòng, chống dịch ASF?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: Chúng tôi ý thức được tầm quan của công tác phòng, chống dịch ASF vì Ðồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, hiện có khoảng 2,5 triệu con. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi trong tỷ trọng ngành nông nghiệp hiện cũng chiếm hơn 56%. Do đó, nếu dịch vào Ðồng Nai thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại của người chăn nuôi, cụ thể là người nông dân. Cho nên Ðồng Nai đã tập trung toàn bộ sức lực để phòng chống dịch. Hiện nay, tất cả các giải pháp đưa ra thì các địa phương, các ngành đã thực hiện tương đối tốt và đã sẵn sàng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì công tác chuẩn bị cho phòng, chống dịch cũng gặp một số khó khăn và tỉnh đang rất lo ngại.
Trước hết là việc vận chuyển heo từ các tỉnh phía Bắc vào Ðồng Nai, khả năng lây lan dịch bệnh của hoạt động này là rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi đã thành lập các trạm kiểm soát để kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh này. Tuy nhiên, dịch bệnh ASF rất phức tạp, do đó sắp tới tỉnh sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ hơn kể cả xem xét giải pháp mà Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai đề nghị là phải thông tin rộng rãi trên mạng trong quá trình vận chuyển heo. Mặt khác, dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thể cấm hoạt động vận chuyển heo nhưng chúng tôi cũng sẽ xem xét để kiến nghị hạn chế như thế nào đó để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển.
Khó khăn thứ 2 là tại Ðồng Nai, chăn nuôi heo nhỏ lẻ đang chiếm 25% tổng đàn, chúng tôi hết sức lo lắng với khu vực này. Các trang trại lớn thì người ta có đủ quy trình, kiến thức để phòng, chống dịch, nhưng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì kiến thức và ý thức đối với việc phòng chống dịch bệnh này cũng còn hạn chế. Do đó cũng rất mong các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tập trung thông tin để làm cho người dân, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ ý thức được nguy cơ để tự phòng ngừa bằng các biện pháp mà ngành chức năng đã khuyến cáo.
Dịch bệnh ASF hiện nay nguy hiểm đối với đàn heo chăn nuôi chứ đối với người thì không ảnh hưởng gì. Do đó, khi người chăn nuôi đã ý thức phòng ngừa được rồi thì khả năng lây lan sẽ giảm đi và khi xảy ra dịch thì người dân phải có ý thức báo cáo ngay với lực lượng thú y gần nhất và chính quyền địa phương để tiến hành ngay các giải pháp dập dịch. Người dân cũng nên biết rằng khi mình báo cáo ngay tức là mình có quyền lợi. Về trách nhiệm phải báo cáo là không để dịch bệnh lây lan nhưng có quyền lợi là Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí. Theo quy định mới nhất, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80% giá trị đối với heo con và heo thịt; từ 1,5 - 2 lần đối với heo nái và heo đực giống khi tiêu hủy.
* P.V: Thưa ông, mới đây Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai có kiến nghị về việc nên tính theo đầu con thay vì tính theo trọng lượng heo khi xảy ra dịch để việc hỗ trợ được thuận lợi, nhanh hơn và hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ý kiến của ông về kiến nghị này như thế nào?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: Ðối với Ðồng Nai thì cũng thực hiện theo quy định chung là hỗ trợ theo trọng lượng heo (tính kg) khi xảy ra dịch phải tiêu hủy. Tuy nhiên, phương pháp tính theo kg cũng sẽ có nguy cơ phát sinh thêm dịch bệnh. Bởi để cân heo, phải có lực lượng, có cân, có phương tiện để thực hiện. Những phương tiện, dụng cụ đó cũng dễ lây lan dịch bệnh. Do đó, có thể chúng tôi sẽ xem xét kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai là tính con. Chúng tôi cũng sẽ xem xét để làm sao việc thực hiện hỗ trợ nó đơn giản nhất và quan trọng là hạn chế nguồn lây. Ðặc biệt làm sao thanh toán, hỗ trợ cho người dân nhanh nhất để người chăn nuôi có điều kiện tiếp tục tái đàn phát triển.
Trước mắt, chúng tôi kêu gọi bà con, người chăn nuôi, người dân hãy bình tĩnh thực hiện nghiêm túc quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong quá trình phòng dịch. Khi đã phát hiện dịch thì cần thực hiện nghiêm túc và khai báo rõ ràng để được hỗ trợ và giúp các cơ quan chức năng dập dịch nhanh nhất để tránh lây lan. Quan trọng hơn, là dịch ASF không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nên bà còn cũng yên tâm trong vấn đề tiêu thụ thịt heo (heo không bị bệnh trên thị trường).
Cán bộ thú y phun xịt thuốc khử trùng xe vận chuyển heo tại Trạm Kiểm dịch đồng vật Ông Đồn, huyện Xuân Lộc.
* P.V: Thưa ông, hiện tại một số tỉnh đã thành lập chốt kiểm dịch thì có tình trạng lơ là của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại các chốt. Vậy xin ông cho biết hoạt động của 2 chốt kiểm dịch mà Ðồng Nai đã thành lập thời gian qua?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: 2 chốt kiểm dịch trên QL 1 và QL 20 đã được giao cho ngành Nông nghiệp tham mưu để thành lập và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tại các chốt có 3 lực lượng cùng tham gia là Công an, Quản lý thị trường và Thú y. Từng chốt này sẽ kiểm soát chặt chẽ tất cả các phương tiện vận chuyển heo đi vào tỉnh Ðồng Nai. Khi quyết định thành lập các chốt này thì chúng tôi cũng ban hành luôn quy chế hoạt động và giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của 2 chốt.
Qua đánh giá vừa rồi chúng tôi thấy rất yên tâm, bản thân Chi cục Thú y vùng VI cũng đã đi kiểm tra và đánh giá các trạm này làm việc rất tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục giám sát, chỉ đạo không được lơ là. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét bổ sung thêm một số trang thiết bị phun xịt thuốc tự động để thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống dịch.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Cần minh bạch, rõ ràng trong hỗ trợ khi xảy ra dịch ASF
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, điều kiện để được nhận hỗ trợ là heo phải bị dịch. Khi xuất hiện dịch, thì quy trình là người chăn nuôi phải báo với cơ quan thú y, sau đó cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm. Nếu xảy ra dịch thì phải tiêu hủy lập tức. Lúc đó, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Còn nếu chưa lấy mẫu, chưa có xác nhận dịch, chưa tiêu hủy thì sẽ không được nhận tiền hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu, việc hỗ trợ khi xảy ra dịch phải thực hiện làm sao cho người chăn nuôi được hưởng hỗ trợ đúng quy định của Nhà nước; quy trình triển khai phải khách quan, minh bạch, rõ ràng để việc chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Phạm Tùng (thực hiện)
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập