Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại.
Khó đảm bảo chất lượng khi mua sắm trực tuyến
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các thị trường kinh doanh từ truyền thống đến hiện đại, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn như mua sắm trực tiếp, qua các kênh trực tuyến, thương mại điện tử. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng nhờ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa lại là điều đáng quan tâm. Theo đó, đã có không ít trường hợp “dở khóc, dở cười” khi mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng mà không thể hoặc rất khó đổi trả, nhất là với những trường hợp mua sắm online, trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (TP. Biên Hòa) chia sẻ, sau khi tham khảo các mặt hàng trên mạng xã hội, chị quyết định đặt mua hai bộ đồ công sở. Chị Hà khá yên tâm bởi shop cam kết sẽ đổi trả cho khách hàng trong vòng 10 ngày nếu không đảm bảo chất lượng. “Khi nhận hàng thì phát hiện không đúng với mẫu mã và màu sắc đã đặt, tôi liên hệ theo số điện thoại đặt hàng thì được thông báo sẽ có nhân viên gọi tư vấn cụ thể. Tôi cũng đã gửi lại hàng để được đổi mẫu đúng như đã đặt ban đầu. Tuy nhiên, sau đó shop này đã cắt liên lạc”.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước và Ban chỉ đạo 264 tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Chợ Long Thành.
Đây cũng là tâm sự của nhiều khách khi mua phải hàng không đúng với hình ảnh, mẫu mã đã quảng cáo. Việc đổi, trả hàng lại vô cùng khó khăn. Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải cho biết, trong năm 2018, có khoảng 30% lượt khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng gửi đến Hội liên quan đến những vấn đề về mua hàng trực tuyến. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: chất lượng, mẫu mã không đúng như quảng cáo; sản phẩm không rõ nguồn gốc; giao hàng thiếu hóa đơn; giao hàng chậm, mập mờ về giá cả…
Cũng theo ông Hải, thực tế hoạt động kinh doanh trực tuyến đang mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, cũng như đa dạng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm cho người sản xuất. Tuy nhiên cũng vì thế mà việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn…
Nâng ý thức “Tự hào hàng Việt”
Để góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, một trong những giải pháp được các cấp, ngành liên quan tập trung triển khai thời gian qua là tuyên truyền nâng cao ý thức “Tự hào hàng Việt” của người dân. Trong đó có đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho hay, kết quả khảo sát việc sử dụng hàng Việt gần đây cho thấy, phần lớn người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn sản phẩm đối với sức khỏe…
Vừa qua, Đồng Nai đã tổ chức cho 384 lượt doanh nghiệp đưa 30 chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp (KCN), khu nhà trọ, nơi có đông người lao động sinh sống. Các hoạt động này thu hút trên 100,7 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm; đạt doanh thu 4,6 tỷ đồng. Cùng với đó là phối hợp tổ chức 57 hội chợ triển lãm, thu hút trên 500.000 lượt người đến tham quan, mua sắm; doanh thu khoảng 49,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt”…
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn góp phần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, qua đó kết nối với các nhà phân phối tại địa phương để hợp tác phân phối sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn. Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ban chỉ đạo 264) tỉnh phối hợp tổ chức gian hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018, khen thưởng các doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết thêm, Ban chỉ đạo 264 của tỉnh đã phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người tiêu dùng nâng cao ý thức tự hào hàng Việt; doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh phải chú trọng tới chất lượng sản phẩm, có kế hoạch quảng bá sản phẩm để đến gần hơn với người tiêu dùng. Riêng nhiệm vụ xây dựng thêm 6 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020 đã đạt 300% so với kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương, cơ sở. Một số nơi triển khai riêng lẻ, thiếu sự gắn kết, do đó chưa phát huy được thế mạnh của các địa phương. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp Việt đều là loại hình sản xuất vừa và nhỏ, hạn chế trong xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, tính cạnh tranh chưa cao, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay…
Hướng đến tiêu dùng bền vững
“Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” là chủ đề của các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019. Các đơn vị liên quan được khuyến khích triển khai các hoạt động phù hợp nhằm phát huy kết quả, giá trị đạt được, góp phần đưa việc thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng thành hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục.
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập