Trong tháng đầu năm 2018 đã có 2 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 120 công nhân phải nhập viện điều trị. Trước tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) diễn biến phức tạp, Chi cục ATVSTP Đồng Nai cho biết sẽ “mạnh tay” với các vụ vi phạm để răn đe.
Hai vụ ngộ độc thực phẩm đầu năm
Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH MTV may mặc Ngày Vinh Quang ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) vào ngày 19-1, sau bữa cơm trưa khiến 66 công nhân phải nhập viện với các triệu trứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt. Được biết, các công nhân này đã ăn món nấm kho nước tương. Công ty này có trên 600 công nhân, thuê Công ty TNHH Thiên Địa Nhân là nơi cung cấp suất ăn cho công nhân. Theo Chi cục ATVSTP Đồng Nai, từ các triệu chứng của bệnh nhân và yếu tố dịch tễ cho thấy, nguyên nhân ngộ độc có thể do các chất bảo quản, hóa chất còn tồn dư trong nấm.
Công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam cấp cứu tại BVĐK Đồng Nai vì nghi ngộ độc thực phẩm ngày 8-1.
Trước đó, ngày 8-1, BVĐK Đồng Nai đã cấp cứu hàng chục công nhân thuộc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (KCN Amata, TP .Biên Hòa) nhập viện điều trị nghi bị ngộ độc thực phẩm. Qua thống kê có tổng cộng 47 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc bù điện giải, xét nghiệm chức năng gan, thận, điều trị triệu chứng. Một công nhân của Công ty TNHH Friwo Việt Nam cho biết, công nhân có ăn các món như: nấm xào súp lơ, gà kho, canh rau má, bầu luộc. Tuy nhiên, những ai ăn chay với món nấm xào súp lơ thì mới có các triệu chứng nói trên. Khoảng một tiếng sau khi ăn, hàng chục công nhân có triệu chứng đau bụng, buồn nôn nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, hầu hết công nhân điều trị tại bệnh viện đã ổn định và xuất viện. Được biết, Công ty TNHH Friwo Việt Nam đã hợp tác với Công ty TNHH Phụng Hoàng Phát (KCN Long Bình, TP. Biên Hòa) để cung cấp suất ăn cho công nhân.
“Mạnh tay” để răn đe
Theo BS. Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai, chỉ trong 2 tháng gần đây (tháng 12-2017 và tháng 1-2018) đã có đến 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra ở trường học bán trú và các công ty. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp chứng tỏ việc kiểm soát thực phẩm đầu vào, đặc biệt là rau, củ, quả và gia vị chưa chặt chẽ. Hơn nữa, nhận thức của người chế biến thực phẩm chưa cao. Cụ thể, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Miền Quê vào ngày 19-12. Vụ ngộ độc này đã khiến 197 công nhân phải nhập viện sau khi ăn bữa trưa với cơm trắng, canh chua nấu dọc mùng, gà kho, đậu phụ và rau muống xào. Ngay sau đó, các công nhân cảm thấy mệt mỏi, tê lưỡi, ngứa vùng cổ họng... “Trong vụ việc này, người chế biến thực phẩm đã để lẫn cây ráy trong dọc mùng. Họ không nhận thức được việc ăn phải cây đó sẽ gây ngộ độc cho người ăn”, BS. Hữu nói.
Hơn một năm nay, Chi cục ATVSTP muốn vào các doanh nghiệp kiểm tra về ATTP đều phải phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành. BS. Hữu cho hay: “Việc kiểm soát thực phẩm đầu vào phải liên tục, chứ mỗi năm vào kiểm tra doanh nghiệp về bếp ăn tập thể chỉ một lần sẽ không hạn chế được tình trạng ngộ độc tập thể. Việc kiểm tra về an toàn thực phẩm vốn không ảnh hưởng tới sản xuất, tài chính của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Công tác thanh tra Chi cục ATVSTP cho biết, muốn thanh kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể hay nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp phải có dấu hiệu vi phạm. Điều này là không hề dễ dàng. Hiện nay, có đến 3 ngành cùng quản lý vấn đề ATTP. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ quản lý về nguyên liệu ban đầu, sơ chế biến; lên đến bàn ăn là do ngành y tế quản lý; lưu thông trên thị trường là ngành công thương.
“Chúng tôi luôn xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy các tuyến xã xử lý bất kỳ vụ vi phạm ATTP nào. Điều đó gây áp lực cho tuyến tỉnh và khó kiểm soát tình trạng ngộ độc xảy ra”, ông Việt khẳng định.
Một khó khăn khác, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay mới chỉ sơ khởi. Cung cấp thực phẩm theo chuỗi sẽ đảm bảo nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. Nhưng giá của các sản phẩm sạch này còn cao so với giá thị trường, trong khi khẩu phần ăn của công nhân vẫn chưa cao. Hiện, nhiều bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp, trường học bán trú cũng chưa được chuyên môn hóa, cơ sở hạ tầng còn kém. Ông Việt cho biết thêm, trong thời gian tới, các vi phạm về ATTP sẽ được xử lý mạnh tay hơn. “Vi phạm trong vấn đề ATTP sẽ bị xử lý hình sự. Chúng tôi sẽ làm mạnh tay vài vụ có vi phạm lớn để răn đe”, ông Việt nói.
BS. Nguyễn Văn Hữu khuyến cáo, hiện nay các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng có xu hướng gia tăng. Những năm trước đây, các vụ ngộ độc chủ yếu do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, thì hiện nay là do thực phẩm, nhất là rau, củ, quả có thuốc bảo quản và chất độc tự nhiên thường có trong cá ngừ, nấm, măng… Đặc biệt là nấm khô dễ bị mốc và có chất bảo quản rất dễ gây ngộ độc thực phẩm dù đã được nấu chín. BS. Hữu đề nghị các doanh nghiệp tăng cường kiểm soát thực phẩm đầu vào, truy xuất rõ nguồn gốc, đặc biệt là rau, củ, quả; thực hiện các bước kiểm tra, giám sát thực phẩm theo đúng quy trình; hạn chế sử dụng các thực phẩm có độc tố tự nhiên cao.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập