Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, 4 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra đột xuất 20 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong tỉnh.
“Trong suốt 30 năm làm nghề, ngoài nguyên liệu gạo, muối, bột, tôi không cho bất kỳ thứ hóa chất gì vào sản phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Không ít lần, có người gọi điện thoại mời gọi tôi mua hóa chất để làm cho hủ tiếu dai hơn, trắng hơn, nhưng tôi đều từ chối và nói thẳng đừng bao giờ mời tôi mua những thứ đó. Có thể khi dùng hóa chất, hủ tiếu trông sẽ bắt mắt hơn, có nhiều lợi nhuận hơn nhưng lương tâm tôi sẽ cắn rứt không yên” - bà Hà bộc bạch.
Tương tự, kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất bánh mì của ông Đinh Thanh Dũng và cơ sở sản xuất nem chua của ông Nguyễn Ngọc Sơn (ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) cho thấy cả 2 cơ sở đều trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại như: chưa ghi đầy đủ thông tin của các loại phụ gia theo quy định, để bột làm bánh sát tường, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa xuất trình được hóa đơn, hợp đồng, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với một số phụ gia thực phẩm do các công ty trong nước sản xuất, chưa ghi cụ thể ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn sản phẩm. đoàn kiểm tra đã yêu cầu các chủ cơ sở nhanh chóng khắc phục nhằm đảm bảo sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Khắc phục khó khăn trong thanh, kiểm tra
Ông Trần Minh Đức, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Thành, cho biết thời gian qua các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tích cực đi kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong số các loại thực phẩm thì thịt heo là loại được các đoàn kiểm tra chú ý nhất. Theo đó, từ 3-6 giờ, các đoàn tiến hành kiểm tra việc ra vào thịt tại các sạp thịt heo ở các chợ. Qua kiểm tra, nếu thịt heo không có dấu kiểm dịch hoặc phát hiện có chất cấm sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Đức, do địa bàn rộng nên lực lượng chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Vài năm trước, khi có chương trình giải cứu heo, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn hoặc các tiểu thương tiến hành giết mổ heo rồi bày bán trên các sạp bên vệ đường. Việc bày bán này ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lâu dần đã hình thành thói quen cho nhiều người dân. Thời gian bày bán của các sạp thịt, chiếu thịt chỉ trong vòng vài giờ buổi sáng hoặc xế chiều nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Để khắc phục vấn đề này, huyện giao cho các xã, thị trấn tự quản lý các sạp thịt heo trên địa bàn. Đến nay, tình trạng bày bán thịt heo lề đường tuy có giảm nhưng vẫn còn tồn tại khoảng 50%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ dẹp xong những sạp bán thịt heo bên đường” - ông Đức cho hay.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Nhân, Trưởng phòng Y tế huyện Định Quán, cho biết những năm gần đây công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong huyện có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, một trong những khó khăn mà cơ quan chức năng trong huyện gặp phải là chưa có thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tham gia đoàn kiểm tra đa số là những cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Ngoài ra, cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra làm nhiệm vụ ngoài giờ hành chính rất nhiều nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ.
Tác giả: Hạnh Dung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập