Góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ sáu - 20/07/2018 01:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đồng Nai có ngành chăn nuôi phát triển mạnh do đó hoạt động giết mổ gia súc gia cầm cũng diễn ra rất sôi động. Trong đó, hoạt động giết mổ gia súc gia cầm trái phép (lò mổ lậu) vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình này, nằm trong những nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sắp xếp các lò mổ theo hướng tập trung, bảo đảm ATVSTP.​

Đã có 38 lò mổ sạch

Thực hiện lộ trình sắp xếp các lò giết mổ theo hướng đảm bảo ATVSTP, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt xây dựng các lò giết mổ tập trung tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 38 lò mổ sạch, 3 lò mổ đang trong quá trình xây dựng. Từ khi các lò mổ sạch đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết tình trạng giết mổ lậu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, một số lò mổ hoạt động khá tốt. Trung bình, mỗi đêm, một lò mổ sạch thực hiện giết mổ hơn 100 con. Khi gia súc, gia cầm được mổ tại các lò mổ này sẽ góp phần đảm bảo ATVSTP.

 
Giết mổ heo tại cơ sở giết mổ tập trung Phương Nguyễn, xã Long An, huyện Long Thành.

Thực hiện chủ trương sắp xếp cơ sở giết mổ của tỉnh, huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng 2 lò giết mổ tập trung, đồng thời quyết định đóng cửa toàn bộ 20 lò mổ không đạt chuẩn, lò trái phép thuộc các xã Mã Ðà, Hiếu Liêm, Tân An, Vĩnh Tân và thị trấn Vĩnh An.

Tháng 7-2016, cơ sở giết mổ tập trung Thân Hương (1 trong 2 lò giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu) đi vào hoạt động. Thực tế, lúc mới tiến hành đóng cửa các lò mổ không đạt chuẩn, các tiểu thương ở Vĩnh Cửu phản ứng vì cho rằng phải vận chuyển xa, chi phí giết mổ cao hơn... Tuy nhiên, khi thấy việc giết mổ ở cơ sở tập trung được thực hiện tốt, bà con tiểu thương đã đồng tình, đưa heo về đây giết mổ.

“Trước đây tôi đưa heo đến lò giết mổ lậu nên điều kiện giết mổ kém, họ giết mổ ngay trên nền nhà, không đảm bảo vệ sinh, heo không được kiểm dịch. Khi đưa heo đến giết mổ ở cơ sở tập trung ban đầu tôi cũng e ngại nhưng nay thấy có nhiều cái lợi. Heo ở đây được kiểm soát chặt về nguồn gốc, khi mang đến giết mổ, heo được lực lượng thú y kiểm soát, kiểm dịch rất kỹ, những con nào chết, mắc bệnh là bị loại nên khi bán rất yên tâm”, chị Ðoàn Thị Vân, một tiểu thương quyết định chuyển heo từ lò mổ lậu sang giết mổ tại cơ sở Thân Hương cho biết.

Thực tế, các sản phẩm động vật khi giết mổ tại lò tập trung có những ưu điểm hơn hẳn so với sản phẩm thịt mổ ở các lò mổ lậu. Nhờ quá trình kiểm dịch nghiêm ngặt nên thịt ở đây đảm bảo về ATVSTP, điều này giúp tiểu thương không còn lo lắng bị ngành chức năng phát hiện, xử phạt vì bán thịt không có nguồn gốc như trước. Do có dấu kiểm dịch nên sản phẩm của tiểu thương được người tiêu dùng ủng hộ, tin tưởng.

Theo ông Trần Ðình Khôi, chủ cơ sở giết mổ gà Mỹ Lệ, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, trước đây Mỹ Lệ là cơ sở nhỏ, mỗi ngày chỉ thực hiện giết mổ vài trăm con gà. Thực hiện chủ trương của tỉnh, ông Khôi đầu tư kinh phí xây dựng lò giết mổ gà tập trung, có khả năng giết mổ khoảng 1.000 con/ngày. Hiện nay, tất cả gà giết mổ tại cơ sở Mỹ Lệ đều được ngành thú y kiểm dịch, điều này đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại an tâm cho cả tiểu thương và người tiêu dùng.

Xóa dần các “lò mổ lậu”

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng 49 lò mổ sạch, dần xóa sổ các lò mổ lậu. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y cho biết, khi các cơ sở giết mổ tập trung được hoàn thành, công suất của các lò này là 5.000 con/đêm. “Hiện nay, việc buôn bán các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật ở các chợ lớn khá bài bản. Nhưng các chợ cóc, chợ ở vùng nông thôn vẫn còn bày bán ở các lòng, lề đường chưa thực sự đảm bảo ATVSTP”, ông Quang nói.

Thời gian qua, số lượng các cơ sở giết mổ lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi-thú y (Sở NN-PTNT), còn khoảng 40 lò mổ lậu đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, dù mất an toàn song lò mổ lậu vẫn hút khách do giá giết mổ rẻ hơn khoảng 20% so với các lò tập trung. Theo quy định của tỉnh, nhiệm vụ  phát hiện, đóng cửa các lò mổ lậu thuộc chính quyền cấp huyện, xã, phường. Nơi nào để xảy ra tình trạng giết mổ lậu, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Dù danh sách, địa chỉ các lò mổ lậu đã được thống kê rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên, tình trạng giết mổ lậu vẫn còn diễn ra.

Ông Quang cho rằng, việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các lò giết mổ theo quy hoạch đã làm giảm hẳn số lượng các lò mổ lậu trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm xóa trình trạng giết mổ gia súc trái phép, Ðồng Nai đã đưa ra quy định, địa phương nào để xảy ra giết mổ lậu, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. “Chúng tôi không thể có đủ lực lượng để ngày nào cũng đi kiểm tra các cơ sở giết mổ. Vì vậy, người quản lý địa bàn (tổ trưởng, tổ ấp, chủ tịch UBND xã/phường…) quản lý chặt chẽ, vận động các hộ dân đưa gia súc, gia cầm vào mổ tại các lò mổ sạch là rất quan trọng, hiệu quả”, ông Quang cho hay.

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Ðồng Nai sẽ đẩy mạnh xây dựng, sắp xếp lò giết mổ tập trung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan thẩm quyền cần xem xét, đưa ra mức xử lý đủ sức răn đe với hành vi giết mổ lậu, nhất là những  trường hợp liên tục tái phạm thì khi đó tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép mới có thể được đẩy lùi nhanh hơn.

 

Chiêu Ly 

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây