Chống sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả: Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sai phạm

Thứ tư - 01/08/2018 01:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả “thay tên, đổi họ” để tiếp tục hoạt động sau khi bị xử lý là khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.​

Đây là điều đã được nhiều địa phương nêu ra trong hội nghị  sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) vừa qua.

“Thay tên, đổi họ” để tiếp tục hoạt động

Báo cáo của BCĐ 389 tỉnh và các địa phương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.741 vụ. Qua đó, phát hiện 2.108 vụ vi phạm, đồng thời đã xử lý 2.085 vụ. Từ đó, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế và bán hàng tịch thu với số tiền hơn 350 tỷ đồng. Đặc biệt, BCĐ 389 tỉnh và các địa phương cũng đã chuyển cơ quan điều tra và có quyết định khởi tố hình sự 7 vụ với 9 đối tượng.

Theo đánh giá, nhờ sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng cùng sự phản ánh của người dân, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, thực tế tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát. Trong khi đó, công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi này còn gặp nhiều khó khăn.


Một cơ sở sản xuất giày giả các nhãn hiệu nổi tiếng bị phát hiện ở huyện Trảng Bom.

Đại diện Đội quản lý thị trường số 4, huyện Long Thành cho hay, để phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả trên địa bàn, đơn vị đã xây dựng nhiều nhân mối thông tin. Tuy nhiên, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả cũng rất cảnh giác, khi thấy có người lạ là lập tức di chuyển địa điểm. “Nhân mối chúng tôi xây dựng gồm các thợ hồ, xe ôm…nhưng tiếp cận cũng rất khó. Các đối tượng khi thấy người lạ lảng vảng quanh khu vực là lập tức di chuyển địa điểm nên rất khó bắt giữ”, vị này cho hay.

Tương tự, đại diện Đội quản lý thị trường số 5, huyện Trảng Bom cho biết, phần lớn các cơ sở sản xuất hàng gian, hàng giả nhất là các mặt hàng gia vị thường di chuyển địa điểm rất nhanh. Nguyên nhân là do các cơ sở này thường sản xuất với quy mô nhỏ, máy móc đơn giản dễ vận chuyển. Bởi vậy, khi Trảng Bom làm mạnh thì ngay lập tức các cơ sở này di chuyển qua các địa phương lận cận.

Không chỉ gặp khó trong việc phát hiện, công tác xử lý và ngăn chặn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng gian, hàng giả sau khi phát hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp này “thay tên, đổi họ” để tiếp tục hoạt động sau khi bị phát hiện, xử lý.

Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết, khó khăn lớn nhất không chỉ của TP. Biên Hòa mà nhiều địa phương khác cũng gặp phải chính là tình trạng cơ sở, doanh nghiệp đăng ký mới để tiếp tục hoạt động sau khi bị phát hiện và xử lý sai phạm. Theo bà Liên, lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử lý thì chỉ vài ngày sau đã thay đổi tư cách pháp nhân mới để tiếp tục hoạt động. “Hiện thủ tục đăng ký kinh doanh rất nhanh, đầy đủ hồ sơ thì 3 ngày là được cấp. Do đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp dễ dàng thay đổi tư cách pháp nhân để hoạt động sau khi bị phát hiện, xử lý trước đó. Điều này là khó khăn lớn nhất trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay”, bà Liên cho hay.

Phải kiểm soát cơ sở, doanh nghiệp làm sai

Trước thực trạng mà các địa phương phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, hiện nay việc thông thoáng trong cấp phép thành lập doanh nghiệp là để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đối với những cơ sở, doanh nghiệp làm sai, sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả thì phải được kiểm soát. “Tình trạng làm sai, làm bậy, sau đó thay tên khác, “bình mới rượu cũ” rồi tiếp tục hoạt động là không được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Để chấm dứt tình trạng “thay tên, đổi họ” tiếp tục hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp sai phạm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, hiện UBND tỉnh đang yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư lập cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu của các chủ doanh nghiệp có vấn đề để quản lý. “Đầu tiên là phải có cơ sở dữ liệu của những cơ sở, doanh nghiệp và chủ cơ sở, doanh nghiệp có vấn đề để quản lý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải làm đến cùng để tạo sự răn đe. Theo đó, khi phát hiện ra vụ việc phải truy được tận gốc. “Nếu phát hiện sản xuất thì phải truy xem có sản xuất ở đâu nữa không, mua nguyên liệu đâu về. Nếu phát hiện tiêu thụ thì phải truy lấy ở đâu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, chỉ có làm mạnh, truy tận gốc mới có thể kéo giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thừa nhận việc sản xuất hàng gian, hàng giả của các đối tượng thường rất tinh vi, khó phát hiện, đồng thời lực lượng chuyên ngành còn mỏng nên việc phát hiện, xử lý là khó. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm. Khi phát hiện phải truy được tận gốc để xử lý. Sản xuất hàng gian, hàng giả thường phải có cả một mạng lưới do đó, nếu cần thì lực lượng Công an phải đưa trinh sát vào. “Làm vài vụ thật nghiêm thì mới có tính răn đe cao chứ cứ chạy vòng vòng “bắt cóc bỏ dĩa” sẽ không bao giờ giảm.Thà làm ít vụ nhưng phải truy được đến cùng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Tập trung vào các lĩnh vực gây hậu quả nghiêm trọng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trước mắt do lực lượng chức năng còn mỏng nên phải tập trung trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực gây hậu quả nghiêm trọng như: sản xuất buôn bán thực phẩm giả, bẩn; thuốc chữa bệnh và các mặt hàng liên quan đến cháy nổ như gas, xăng dầu. Đồng thời, những lĩnh vực nào mà việc sản xuất, buôn bán có tính chất tổ chức, mạng lưới thì tập trung triệt phá trước.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây