Dịch tả heo châu Phi lan rộng: Tìm giải pháp ứng phó lâu dài

Thứ ba - 21/05/2019 21:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Dịch tả heo châu Phi đang tiếp tục lan rộng với việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng cũng đang tìm kiếm các giải pháp mới nhằm vừa tránh lây lan, khống chế dịch bệnh, vừa đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thị trường, nhất là vào dịp cuối năm.​

Thêm 3 xã và 1 huyện xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở NN-PTNT) Trần Văn Quang cho biết, dịch tả heo châu Phi (viết tắt là ASF) trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp với việc có thêm nhiều ổ dịch mới được phát hiện.

Ngoài 5 ổ dịch đã được phát hiện trước đó tại xã Đồi 61, Bình Minh (huyện Trảng Bom); Phước Thiền, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đến nay đã có thêm 3 ổ dịch mới được phát hiện.

Cụ thể mới đây, một hộ chăn nuôi có tổng đàn 956 con tại xã Tân An và một hộ có tổng đàn hơn 300 con tại xã Vĩnh Tân (đều thuộc huyện Vĩnh Cửu) xảy ra hiện tượng heo chết. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với ASF tại cả 2 đàn heo trên.

Ngoài ra, đàn heo 12 con của một hộ nuôi tại xã An Phước (huyện Long Thành) có heo chết cũng được xác định dương tính với vi rút ASF. Sau khi phát hiện các ổ dịch mới, các địa phương và ngành chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy số heo trên theo quy định, đồng thời tổ chức phun xịt khử trùng. Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng chống dịch để tránh lây lan.


 Lực lượng chức năng phun xịt hóa chất khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch tại ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom.

Như vậy, kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại xã Đồi 61, (huyện Trảng Bom) ngày 24-4, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8 xã có phát sinh ổ dịch tại 4 huyện gồm: Trảng Bom (2 xã); Nhơn Trạch (2 xã); Vĩnh Cửu (3 xã) và Long Thành (1 xã). Trong đó, Long Thành là huyện mới nhất xuất hiện ổ dịch.

Không những số ổ dịch được phát hiện tăng, diễn biến mới nhất cho thấy, dịch ASF cũng đã bắt đầu xâm nhập vào trại nuôi lớn, có tổng đàn heo đông. Theo đó, ổ dịch mới được phát hiện tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) được ghi nhận trên đàn heo lên đến gần 1.000 con. “Dù đây là trang trại chưa khép kín nhưng có đàn heo khá đông. Điều này cho thấy diễn biến dịch rất phức tạp”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang cho hay.

Thịt heo cấp đông sẽ được xét nghiệm huyết thanh

Trước lo ngại việc cấp đông dù là giải pháp cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do vi rút ASF có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang khẳng định: Chỉ heo không nhiễm bệnh mới được giết mổ để cấp đông. Ông Quang cũng cho hay, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn cho việc cấp đông, heo khi được thu mua, giết mổ sẽ được xét nghiệm huyết thanh.

Thịt heo cấp đông sẽ được xét nghiệm huyết thanh

Trước lo ngại việc cấp đông dù là giải pháp cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do vi rút ASF có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang khẳng định: Chỉ heo không nhiễm bệnh mới được giết mổ để cấp đông. Ông Quang cũng cho hay, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn cho việc cấp đông, heo khi được thu mua, giết mổ sẽ được xét nghiệm huyết thanh.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của ASF, hiện nay, bên cạnh các giải pháp khống chế, không để lây lan phát sinh các ổ dịch mới, việc đảm bảo nguồn cung thịt heo và giá heo hơi cũng đang được các cơ quan chức năng gấp rút triển khai.


Người dân rải vôi bột khử trùng xung quanh khu vực có ổ dịch ASF tại huyện Vĩnh Cửu.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y, hiện toàn tỉnh đã có gần 2.000 con heo bị tiêu hủy do ảnh hưởng của ASF. Khi các ổ dịch vẫn tiếp tục xuất hiện, con số này được dự báo sẽ còn tăng. Việc số lượng heo lớn bị tiêu hủy không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn tạo ra nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo, nhất là vào dịp cuối năm sắp tới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Lộc cho biết, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo giao ngành Công thương tổ chức thu mua, giết mổ và cấp trữ đông thịt heo sạch, an toàn để giảm áp lực tiêu hủy và cân đối nguồn thịt heo cho các tháng cuối năm.

Thực hiện chỉ đạo này, tại Đồng Nai, sáng 21-5, Sở Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ và các siêu thị trên địa bàn tỉnh tìm giải pháp thực hiện cấp đông thịt heo. “Trong bối cảnh dịch ASF còn phức tạp và kéo dài, việc các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thu mua, giết mổ, cấp đông là một trong những giải pháp để ứng phó với dịch bệnh. Dù chỉ là giải pháp tạm thời nhưng việc cấp đông sẽ giảm áp lực tiêu hủy và đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thị trường”, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, việc thực hiện cấp đông hiện nay là không khả thi nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các doanh nghiệp. Bởi, trên địa bàn Đồng Nai hiện chưa có doanh nghiệp nào có hệ thống kho lạnh và máy móc cấp đông đáp ứng nhu cầu.

Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay, hiện hệ thống cấp đông của doanh nghiệp chỉ có công suất cấp đông khoảng 1 tấn/ngày. Sản phẩm cấp đông chủ yếu chỉ phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc xây dựng lò giết mổ và kho cấp đông mới của doanh nghiệp tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), theo dự kiến phải đến tháng 9 tới mới hoàn thành.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm CJ Vina cho biết, doanh nghiệp hiện vẫn chỉ bán heo hơi ra thị trường chứ chưa có hệ thống giết mổ và cấp đông.

Không chỉ các doanh nghiệp chăn nuôi, thực phẩm mà các siêu thị lớn trên địa bàn cũng cho biết, việc cấp đông, nếu chỉ dựa vào nguồn lực sẵn có của các doanh nghiệp là không khả thi. “Chúng tôi có hệ thống kho nhưng là để trữ nhiều mặt hàng chứ không riêng thịt heo. Ngoài ra, việc trữ hàng cũng chỉ ở mức làm mát chứ không thể cấp đông ở mức nhiệt độ 40 đến 50 độ âm”, Phó Giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho hay.

Trước hạn chế về năng lực kho bãi và máy móc trong việc thực hiện cấp đông thịt heo, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, giải pháp phù hợp hiện nay là thuê kho lạnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn và ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để cấp đông. “Việc cấp đông hiện nay chủ yếu là hướng đến việc đảm bảo nguồn cung trong tình hình dịch bệnh chứ không mang tính lâu dài. Do đó, không mấy doanh nghiệp đầu tư để xây dựng mới các hệ thống này. Vì vậy, giải pháp phù hợp là thuê kho lạnh của các doanh nghiệp khác tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để cấp đông. Các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia với tỉnh để thực hiện nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp”, đại diện Công ty TNHH Anh Hoàng Thi, phường An Bình, TP. Biên Hòa cho biết.

Đồng thuận với giải pháp trên, bà Lê Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Anh Hào Phát, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa cho biết, nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia thuê kho để thực hiện việc cấp đông thịt heo. 

Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả heo châu Phi

Ngày 20-5, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh ASF. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế dịch bệnh ASF là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này.

Các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh ASF; quyết tâm khống chế dịch bệnh ASF trong thời gian nhanh nhất; động viên toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi heo ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây