Cần cơ chế “đặc biệt” để tiêu thụ heo trong vùng dịch

Thứ năm - 23/05/2019 21:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cùng với sự bùng phát của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo, nhất là tại các vùng dịch cũng được siết chặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho việc tiêu thụ thịt heo sạch, an toàn gặp khó.​

Cơ quan chức năng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo về cơ chế “đặc biệt” cho việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo sạch, an toàn trong vùng dịch nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Giá heo “khởi sắc” bất chấp dịch lan rộng

Ông Lê Ðức Vinh Quang, một hộ chăn nuôi heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cho hay, hơn 1 tuần nay, giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn đã tăng trở lại. Trước đó, vào đầu tháng 5, khi thông tin dịch bệnh ASF bùng phát trên địa bàn tỉnh, giá heo hơi liên tục xuống thấp. Ðặc biệt, trong tuần đầu tháng 5, giá heo hơi chỉ còn ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với trước đó.


Giết mổ heo sạch, an toàn tại lò mổ Thy Thọ, TX. Long Khánh.

Theo ông Quang, nguyên nhân giá heo hơi giảm nhanh trong thời điểm đầu tháng 5 là do tâm lý e ngại của người tiêu dùng và lo sợ của người chăn nuôi. Ðiều này khiến nhiều hộ chăn nuôi heo có tâm lý bán tháo vì sợ giá tiếp tục giảm thêm. “Trong lúc thị trường chững lại thì nhiều người chăn nuôi lại bán tháo nên giá giảm. Khi có tâm lý bán tháo thì thương lái dễ dàng ép giá người bán nên giá ngày càng giảm thêm”, ông Quang cho hay.

Tuy nhiên, đà giảm giá chỉ kéo dài khoảng 1 tuần đầu, sau đó, giá heo đã tăng trở lại. Theo ghi nhận, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đang giữ ổn định ở mức 36.000 - 38.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ thịt heo cũng khá thuận lợi, bất chấp diễn biến dịch bệnh ASF đang ngày càng phức tạp.

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, lượng heo tiêu thụ trong tuần gần nhất (từ ngày 11 đến 17-5), tăng hơn 7.000 con so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, tổng số heo tiêu thụ đạt gần 69.000 con. Trong đó, tiêu thụ xuất tỉnh hơn 58.000 con và tiêu thụ nội tỉnh ổn định ở mức hơn 10.000 con. “Dù dịch bệnh xảy ra phức tạp nhưng nguồn heo sạch, an toàn của tỉnh vẫn được tiêu thụ tốt, đặc biệt là tiêu thụ xuất tỉnh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Lộc cho hay.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, việc nguồn heo dần cạn do người chăn nuôi bán tháo sau khi có thông tin dịch cũng như tâm lý ổn định hơn, không còn tình trạng bán “chạy dịch” của người chăn nuôi là nguyên nhân khiến giá heo “khởi sắc” trở lại.

“Mở cửa” tiêu thụ heo trong vùng dịch

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang cho biết, trong bối cảnh  dịch bệnh ASF chưa có vắc xin đặc trị thì việc chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện khử trùng, tiêu độc, kiểm soát vận chuyển giết mổ heo và các sản phẩm từ heo là những giải pháp đang được áp dụng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch bệnh vẫn bùng phát mạnh và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ thịt heo, nhất là tại các vùng dịch đang gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ông Quang cho biết, theo quy định trong vùng công bố dịch thì tất cả các hoạt động giết mổ, vận chuyển đều bị đình chỉ. Tuy nhiên, do tính chất và nguy cơ kéo dài của dịch bệnh này đòi hỏi những giải pháp riêng cho việc giết mổ, vận chuyển tiêu thụ thịt heo trong vùng dịch. Bởi, nếu áp theo quy định và đình chỉ tất cả các hoạt động giết mổ, vận chuyển thì lượng heo sạch, an toàn tại các vùng dịch sẽ không được tiêu thụ. Ðiều này gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Do đó, mới đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành văn bản cho phép thực hiện giết mổ, vận chuyển trong nội bộ vùng dịch với điều kiện ở đó có những cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, heo đưa vào giết mổ được xét nghiệm âm tính với bệnh ASF. Riêng việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo ra, vào vùng dịch vẫn bị cấm.

Theo ông Quang, dù quy định này đã “mở hơn” khi cho phép thực hiện việc giết mổ, tiêu thụ trong vùng dịch. Thế nhưng, việc cấm vận chuyển ra, vào vùng dịch vẫn khiến quy định này phi thực tế. “Ðặc điểm chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam có những xã có tổng đàn heo lên đến hàng chục ngàn con. Như vậy việc giết mổ rồi tiêu thụ trong phạm vi 1 xã thì tiêu thụ làm sao cho hết”, ông Quang cho hay.

Trước thực tế này, ông Quang cho biết, Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và xây dựng các giải pháp cho việc giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ thịt heo trong vùng dịch. Mới nhất, Cục Thú y đã có văn bản đề nghị các đơn vị góp ý dự thảo cho Bộ NN-PTNT, trong đó có vấn đề tiêu thụ thịt heo trong vùng dịch. “Dự thảo theo hướng mở ra cơ chế để tiêu thụ thịt heo trong vùng dịch đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng để tránh lây lan dịch bệnh là phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch ASF được dự báo còn kéo dài. Có như vậy, mới giảm bớt được thiệt hại cho người chăn nuôi”, ông Quang nêu ý kiến.

Cần giới hạn phạm vi và phải quản lý chặt chất lượng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, việc mở ra hướng cho phép giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ thịt heo sạch, an toàn là hợp lý. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiêu thụ chỉ nên giới hạn trong phạm vi hẹp và quan trọng nhất là phải quản lý được chất lượng thịt để tránh lây lan dịch bệnh. “Như Đồng Nai thì chỉ giới hạn tiêu thụ ở nội tỉnh và một số địa phương lân cận chứ không nên cho vận chuyển từ Nam ra Bắc hay ngược lại. Các địa phương cũng cần có cơ chế phối hợp để kiểm soát thật chặt chất lượng thịt được vận chuyển, tiêu thụ”, ông Công góp ý.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây