Ngày 03/02/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1009/KH-UBND về việc cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, nội dung kế hoạch gồm hai phần: Kết quả cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2011 – 2015 và tình hình người nghiện ma túy hiện nay và Kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 – 2020.
Về kết quả cai nghiện ma túy, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện mới cho 4.341 lượt người, tăng 1.622 người so với giai đoạn 2006 – 2010. Đối với công tác quản lý sau cai nghiện, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 1.447 người, hỗ trợ cho vay vốn 163 người với tổng số tiền 1.865.000.000 đồng, tạo việc làm cho 876 người. Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Đồng Nai đã tổ chức dạy văn hóa cho 120 học viên, dạy nghề cho 971 học viên.
Hiện nay, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 15/7/2015, toàn tỉnh có 2.898 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng 173,63%. Tình hình sử dụng ma túy có nhiều phát sinh mới về loại ma túy và hình thức sử dụng, việc lạm dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng gia tăng khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi từ hút, nuốt chuyển sang chích dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV tăng cao và cũng là nguyên nhân tiềm tàng phát sinh nhiều tội phạm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội…Có thể thấy đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo và không có việc làm ổn định, gặp vấn đề về sức khỏe, kinh tế khó khăn, không được người thân, gia đình quan tâm, chăm sóc. Do vậy, việc cai nghiện ma túy là cần thiết nhằm giúp những người nghiện từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động để có thể tái hòa nhập vào cuộc sống gia đình và xã hội.
Với tốc độ tăng bình quân 502 người nghiện/năm trong 5 năm (2011 – 2015), dự báo số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2020 tăng khoảng 5.400 người. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy vá quản lý sau cai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 – 2020.
Ngoài ra, kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể: Kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội trong việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai; Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chữa bệnh và giáo dục, dạy nghề, công tác phòng, chống thẩm lậu, tiêu cực, chống người thi hành công vụ, gây rối, bạo loạn trong Cơ sở điều trị nghiện ma túy tính Đồng Nai; Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề, lao động sản xuất, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của những người sau cai nghiện khi về lại cộng đồng; Đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nâng cao chất lượng cai và quản lý, hỗ trợ sau cai tại cộng đồng; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại các Cơ sở, gia đình và cộng đồng.
Với các mục tiêu đã đề ra, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, tổ chức cai nghiện thành công cho 3.000 người nghiện ma túy, tổ chức điều trị duy trì và điều trị mới nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 2.000 người; 100% học viên hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy bắt buộc và được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, hỗ trợ tìm việc làm cho 500 người sau cai nghiện ma túy; 50% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề, 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm và tạo việc làm (dạy nghề cho 1.500 người đang cai nghiện tại các Trung tâm và cộng đồng), các địa phương hỗ trợ vay vốn và tạo việc làm cho 1.500 người nhiễm HIV, người sau cai nghiện; 100% cán bộ công chức làm công tác quản lý, trực tếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các Trung tâm và tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ; phấn đấu duy trì 80% (137/171) xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm được cấp bằng công nhận.
Để đạt được các kết quả trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy; nâng cao chất lượng, chú trọng các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết....
Kế hoạch cũng phân công trách nhiệm cho các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được phân công để triển khai thực hiện kế hoạch.
THIÊN BẢO