Đào tạo lao động kỹ thuật hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội

Thứ tư - 07/01/2015 02:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
Trong 4 năm thực hiện chương trình đào tạo nguồn lao động kỹ thuật (chương trình 1) thuộc chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, đã có gần 250.000 người được đào tạo nghề, đạt trên 83% so với kế hoạch.
 
Tuy nhiên, trong tổng số học viên được đào tạo nghề, tỷ lệ học viên đạt trình độ trung cấp nghề mới chỉ chiếm khoảng 12% và chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường lao động.

Ngày càng nhiều người đến trường nghề

Trong 4 năm (2011 - 2014), toàn tỉnh có 247.029 người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, đạt trên 83% chỉ tiêu cả giai đoạn 2011 - 2015. Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng cho biết, một trong những nguyên nhân thành công của chương trình là tỉnh xác định nguồn nhân lực cho quá trình phát triển là một trong 3 khâu đột phá. Từ đó tập trung đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện đạt và vượt mục tiêu của cả giai đoạn. Tỷ lệ tuyển mới để đào tạo của các cơ sở và doanh nghiệp khá tốt. 4 năm qua, các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tổ chức tuyển đào tạo mới trên 271.000 người, kể cả các em vừa tốt nghiệp bậc THCS. Trên địa bàn tỉnh, các trường đào tạo nghề có hoạt động nổi bật là các đơn vị như Trường cao đẳng nghề Đồng Nai; Cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch; Cao đẳng nghề Cơ giới và thủy lợi; Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2…

Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Đồng Nai Vũ Anh Tuấn nêu kinh nghiệm, ngoài việc nâng chất trong dạy nghề, chú trọng khâu liên kết các doanh nghiệp để đào tạo tăng thời lượng thực hành sát với thực tế tại cơ sở sản xuất, nhà trường còn mở các phiên giao dịch việc làm ngay khi các em ra trường và tổ chức tiếp thị đào tạo. Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây nhà trường luôn đạt chỉ tiêu tuyển chọn học viên ở cả 3 cấp: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề, trong đó trên 80% là bậc trung cấp và cao đẳng.
 
hocnghe_0701.jpg
Đào tạo nghề cho học viên tại Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch.
 
Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch cũng là đơn vị nhiều năm luôn đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kim Hương cho hay, vào đầu học kỳ 2 hằng năm, nhà trường thường phối hợp với các trường THCS và THPT trên địa bàn, tổ chức tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện khá tốt chính sách ưu đãi với học sinh nghèo, học sinh dân tộc và vùng bị giải tỏa từ dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đó, lượng học viên về trường luôn đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
 
Trường TCN Kinh tế kỹ thuật số 2 (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) liên tục trong những năm qua cũng đều đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, trường tổ chức quảng bá, giới thiệu về công tác đào tạo của trường nên học viên về trường luôn đảm bảo chỉ tiêu được giao…
 
Hướng đến thị trường lao động 
 
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng, đối chiếu với các mục tiêu đặt ra của chương trình về cơ bản, kết quả đều đạt và vượt, song vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch ban đầu. Đó là các chỉ tiêu như cơ cấu trong đào tạo; cơ sở dạy nghề cũng như đội ngũ giáo viên dạy nghề so với mục tiêu đề ra không đạt.
 
Bên cạnh những mặt làm được, trong 4 năm các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh mới chỉ đào tạo được 33.000 học viên có trình độ từ trung cấp nghề trở lên, chiếm tỷ lệ chỉ hơn 12% trong tổng số lao động được đào tạo nghề. Kết quả trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao của thị trường lao động. Mặt khác, đội ngũ giáo viên dạy nghề chỉ đạt gần 2.500 người (kế hoạch là 3.000 người). Đa đa số giáo viên dạy nghề không bố trí, sắp xếp được thời gian tập trung để bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Tiến độ đào tạo 3 nghề chất lượng cao là cơ khí, công nghệ ô tô, điện theo chương trình nước ngoài của tổ chức Edexcel còn chậm và đặc biệt mới chỉ có 7 - 9% học sinh THCS vào học nghề trong khi mục tiêu phân luồng phải đạt 30%....
 
Trong năm 2015, Ban chủ nhiệm chương trình 1 đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Xây dựng các chính sách đẩy mạnh chương trình học ngoại ngữ nhằm tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề của nước ngoài trong xu thế hội nhập. Phát triển, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề (trong và ngoài nước) theo hướng chuẩn hóa, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý theo nghề và trình độ đào tạo. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề phù hợp với trình độ kỹ thuật hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, phấn đấu đến cuối năm 2015 thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. 
 
Anh Hà
 
 
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây