Sau liên tục những trận mưa chuyển mùa nặng hạt, tại huyện Xuân Lộc mùa mưa năm 2016 đã chính thức bắt đầu. Do nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến trễ, thời điểm này nông dân trong huyện đang khẩn trương xuống giống vụ hè thu, đồng thời tích cực chăm sóc các vườn cây bị suy kiệt trong cơn hạn lịch sử vừa qua.
Khẩn trương xuống giống cây ngắn ngày
Trong những ngày này, ngay từ sáng sớm, trên cánh đồng xã Lang Minh luôn rộn ràng tiếng máy cày làm đất, tiếng cười nói của bà con nông dân ra đồng xuống giống. “Năm nay do mùa nắng kéo dài nên việc xuống giống vụ Hè thu bị trễ hơn gần 20 ngày so với năm trước. Ngay sau vài cơn mưa lớn, bà con khẩn trương xuống giống cho kịp thời vụ”, ông Lý Phát Sinh, nông dân ấp Ðông Minh, xã Lang Minh cho hay. Ông Sinh cho biết thêm, đến thời điểm này gia đình ông đã xuống giống được gần 5 ha lúa, còn lại hơn 2 ha do chân ruộng cao nên chưa thể xuống giống.
Đào hố, trồng mới tiêu ở xã Xuân Thọ
Bà Lê Thị Hiệp,Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Xuân Lộc cho biết, theo kế hoạch, lịch xuống giống vụ Hè thu năm nay của huyện đã bắt đầu từ ngày 15-5. Theo đó một số xã như Lang Minh, Xuân Phú, Xuân Thọ… tỷ lệ xuống giống đã đạt từ 40 - 50% diện tích. Riêng đối với các xã như: Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa do lượng mưa còn rất thấp nên huyện khuyến cáo bà con gieo trồng trễ hơn để tránh tình trạng mất giống.
Bà Hiệp cũng cho biết thêm, vụ Hè thu năm nay, Xuân Lộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa giống mới vào sản xuất đối với các loại cây trồng như lúa, bắp. Ðặc biệt là mạnh dạn đưa giống bắp lai biến đổi gen Dekalb Genuity 6919S, 6818S, 9955S vào sản xuất đại trà.
Theo kế hoạch, vụ Hè thu năm nay, Xuân Lộc xuống giống khoảng 17.700 ha cây trồng ngắn ngày các loại (giảm gần 100 ha so với năm 2015). Trong đó lúa, bắp vẫn đóng vai trò cây chủ lực với diện tích trên 10.000 ha; số còn lại là cây có bột như khoai mỳ; các loại đậu, rau màu…
Khôi phục vườn cây sau hạn lịch sử
Trong đợt khô hạn lịch sử kéo dài vừa qua, hàng trăm ha cây trồng lâu năm trong huyện bị ảnh hưởng nặng do thiếu nước tưới, như: vùng chuyên canh hồ tiêu xã Xuân Thọ, Suối Cao; vùng trồng xoài chuyên canh ở Hợp tác xã (HTX) xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng; vùng chuyên canh cây ăn quả năng suất cao xã Xuân Hòa. Chính vì vậy, sau những cơn mưa liên tiếp vừa qua, các nhà vườn đã khẩn trương bắt tay vào việc chăm sóc để sớm hồi phục vườn cây. “Năm nay do mùa mưa đến muộn, cây trồng bị suy kiệt nặng nên vùng xoài nơi đây đã bị trễ một lứa hoa. Vì vậy, khi có mưa, bà con nhanh chóng bắt tay vào việc bón phân, tỉa cành, kích thích xoài ra đọt”, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng nói. Không giấu sự phấn khởi, ông Bảo cho biết thêm, tuy mới buớc vào đầu vụ chăm sóc, nhưng HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đối tác để xuất khẩu xoài.
Làm đất chuẩn bị xuống giống vụ Hè thu tại xã Lang Minh
Còn đối với vùng chuyên canh cây hồ tiêu thuộc địa bàn hai xã Xuân Thọ, Suối Cao, nông dân cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục. Ông Trần Hữu Thắng, Giám đốc HTX hồ tiêu Thọ Lộc, xã Xuân Thọ cho biết, HTX có khoảng 70 ha tiêu, trong đợt hạn vừa qua có nhiều diện tích tiêu của HTX bị ảnh hưởng nặng (do chết hoặc kiệt quệ). Hiện nay số diện tích tiêu nông dân phải trồng lại và trồng dặm khoảng 30 - 40% tổng diện tích. “Do nắng hạn kéo dài, cây tiêu bị thiếu nước nên hầu hết bộ rễ cám đã bị khô. Ðây chính là nguyên nhân khiến cho cây tiêu luôn vàng vọt. Ðể khắc phục tình trạng này, bà con xã viên HTX đang tăng cường tưới các chế phẩm sinh học để kích thích phát triển lại bộ rễ. Ðồng thời bổ sung các loại phân hữu cơ vi sinh để cây tiêu dễ hấp thụ”, ông Thắng nói.
Riêng đối với những diện tích hồ tiêu quá kiệt quệ do ảnh hưởng nắng hạn, một số nhà vườn đành phải phá bỏ, trồng mới lại hoàn toàn. Anh Nguyễn Văn Hoàn, ngụ ấp Thọ Lộc, Xuân Thọ cho biết, trong đợt hạn vừa qua, gia đình anh có 3,5 sào tiêu bị ảnh hưởng nặng, hiện anh đang đầu tư trồng lại 100% diện tích trên. “Mặc dù nhiều nọc tiêu còn sống nhưng do thiếu nước kéo dài nên khó thể phục hồi như xưa, nên phải đầu tư trồng lại”, anh Hoàn cho biết. Theo tính toán của bà con, để đầu tư trồng lại một ha tiêu mất khoảng 130 triệu đồng, bao gồm: công đào hố, trụ, dây tiêu và phân bón lót. Do vốn đầu tư lớn nên đa số nhà vườn ở đây không phá bỏ mà chọn giải pháp trồng dặm để vừa tốn ít vốn đầu tư vừa hy vọng có thu nhập từ những nọc tiêu có thể phục hồi. Cũng do nhu cầu trồng dặm và trồng mới khá nhiều nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn tiêu giống. Anh Vũ Văn Lâu, nông dân ấp Thọ Lộc cho biết, để trồng lại 4 sào tiêu, anh phải sang tận các nhà vườn ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để mua hom giống về trồng. “Do nhiều người cần trồng dặm và trồng mới nên giá hom giống tiêu tăng cao. Tôi mua với giá khá đắt 15.000 đồng/dây, cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/dây so với năm ngoái”, anh Lâu nói.
“Ðối với một số vườn tiêu thực sự thiếu hụt nguồn nước tưới trong đợt nắng hạn vừa qua, HTX đề nghị xã viên chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn như: điều, xoài, mít”, ông Trần Hữu Thắng cho hay.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cho biết, trong đợt hạn lịch sử vừa rồi, Xuân Lộc có gần 200 ha cây trồng thiếu nước nghiêm trọng. Trong đó có khoảng 100 ha hồ tiêu tại 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao; số còn lại là diện tích cây có múi như: cam, quít, bưởi tại ấp 2, xã Xuân Hòa.
Đình Hải