Tích lũy nhiều kinh nghiệm khi dạy học trong mùa dịch

Thứ tư - 01/12/2021 09:09
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

Với nhiều giáo viên, dạy học trong “mùa dịch” đã trở thành đợt sinh hoạt chuyên môn bổ ích, mang đến nhiều kinh nghiệm quý báu trong đời dạy học.

Để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” khi học online, thầy cô giáo phải vất vả hơn rất nhiều lần. Nhưng với nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với học trò, họ đã nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn.

 hinh 011221.1.jpg?t=1752296424
Cô La Ngọc Yến, giáo viên dạy khối lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) là người đã tham gia 6 tiết dạy học trên truyền hình

Đầu tư nhiều công sức để soạn giảng

Để soạn được 1 bài giảng online đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức. Theo chia sẻ của các giáo viên, đối với người giỏi về CNTT và có kỹ năng tốt thì việc soạn giảng (tìm tài liệu, soạn trình chiếu…) cho 1 tiết học từ 30-45 phút phải mất ít nhất 2 tiếng. Vì vậy, sau khi tổ chuyên môn thống nhất nội dung bài giảng thì các thành viên trong tổ sẽ chia nhau để soạn giảng. Các bài soạn giảng này sẽ được cả tổ cùng nhau xem lại, tổ khối duyệt về mặt chuyên môn, hình thức sau đó mỗi giáo viên mới chỉnh sửa lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng lớp học.

Theo quy định, mỗi tiết học ở bậc tiểu học có thời gian 35 phút nhưng chừng đó thời gian không đủ để dạy cho trẻ trong điều kiện học online. Vì vậy, giáo viên phải linh động thời gian để dạy cho hết nội dung của tiết học. Có khi kéo dài tiết học, có khi gửi nội dung bài học lên nhóm lớp để phụ huynh hỗ trợ thêm, có khi tranh thủ dạy online thêm vào buổi tối…

Bằng cách làm việc đoàn kết, có trách nhiệm, đội ngũ giáo viên đã hỗ trợ, cùng giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, áp lực trong quá trình dạy học online.

Hơn 2 tháng dạy học online cũng là chừng ấy thời gian diễn ra chương trình dạy học trên truyền hình. Năm nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, chỉn chu, các tiết học trên truyền hình đã góp phần hỗ trợ, đỡ đần phần nào cho các giáo viên trong quá trình dạy online.

Mỗi tiết dạy trên truyền hình là thành quả của sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của rất nhiều cán bộ, giáo viên. Quá trình chuẩn bị này thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chuyên môn nghiêm túc, trách nhiệm và bổ ích đối với tất cả các giáo viên tham gia. Từ chỗ chỉ có số ít giáo viên được giao nhiệm vụ tham dự các buổi dự giờ online, rất nhiều giáo viên đã tự nguyện tham gia để hỗ trợ đồng nghiệp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ chính các đồng nghiệp và các cán bộ vững chuyên môn ở cả 3 cấp: trường, Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT.

Thông thường, các buổi dự giờ, đóng góp ý kiến này được tổ chức vào tối thứ 7, Chủ nhật, có hôm kéo dài đến tận 10 giờ đêm nhưng các giáo viên đều tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm.

Chuẩn bị chỉn chu cho mỗi tiết dạy trên truyền hình

Cô La Ngọc Yến, giáo viên dạy khối lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) là người đã tham gia dạy 6 tiết trên truyền hình nên đã có rất nhiều trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, việc chuẩn bị để dạy học trên truyền hình đã giúp cô Yến tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm chuyên môn quý giá.

Để có 1 tiết dạy trên truyền hình thì không chỉ cá nhân giáo viên “đứng lớp” mà cần có sự tham gia đóng góp của 1 tập thể, với nhiều tiết dạy thử, dự giờ, góp ý, chỉnh sửa...

Theo đó, sau khi được phân công nội dung dạy học trên truyền hình, giáo viên tổ khối phải bàn bạc, soạn thảo ý tưởng, nội dung các hoạt động trong tiết học đó. Sau khi tổ khối hợp tác soạn giảng xong, giáo viên được phân công dạy trên truyền hình sẽ dạy thử. Sau tiết dạy này, cả khối sẽ góp ý những điểm chưa hợp lý, bổ sung những điểm cần thiết để chỉnh sửa. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường vào dự giờ, đóng góp ý kiến để tổ khối và cá nhân giáo viên trực tiếp dạy học tiếp tục chỉnh sửa. Sau khi qua được bước duyệt bài ở trường, giáo viên sẽ dạy thử để phòng GD-ĐT và phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT dự giờ, góp ý. Cuối cùng, giáo viên tiếp tục chỉnh sửa lần cuối cho thật hoàn thiện rồi mới được thu hình.

Được phân công dạy học trên truyền hình, mặc dù đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp, lãnh đạo nhưng tiết dạy đầu tiên cô Yến vẫn khá lo lắng, hồi hộp. Trước khi ghi hình, ngoài lúc dạy online, cô gần như dành toàn bộ thời gian từ sáng đến khuya để chuẩn bị cho tiết dạy này. Ngoài chuẩn bị kỹ về nội dung, cô còn thường xuyên luyện tập cách dạy. “Tôi dạy thử rồi bấm giờ để xem có đảm bảo về thời gian không, tự thu âm và nghe lại xem có chỗ nào nói chưa tốt để khắc phục. Tôi đã luyện tập như vậy hơn 1 tuần cho buổi ghi hình đầu tiên. Vậy mà đến lúc quay tôi vẫn hồi hộp nên đã làm không được tốt như khi luyện tập nhưng đến những buổi sau thì thuận lợi hơn nhiều”, cô Yến kể.

Cô Trần Thị Ngà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường chúng tôi có 4 giáo viên tham gia dạy trên truyền hình. Trong đó cô La Ngọc Yến dạy 6 tiết. Cô là giáo viên trẻ (sinh năm 1988) vững chuyên môn, năng động, giỏi về CNTT”.

 

Hoàng Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

90,821

Tổng lượt truy cập

555,486,260
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây