Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016

Thứ tư - 01/06/2016 11:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em” vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LÐ-TBXH) phát động tại tỉnh Quảng Ninh. Các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống TNTT cho trẻ em, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước. Tại Ðồng Nai, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em với nhiều hoạt động đa dạng nhằm tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.

Hậu quả từ tai nạn thương tích ở trẻ
 
Thứ trưởng Bộ LÐ-TBXH Ðào Hồng Lan cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2014, trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 580 trẻ em bị TNTT các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng. TNTT cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật ở trẻ em và hậu quả có thể kéo dài đến hết cuộc đời. “TNTT ở trẻ em nước ta rất cao so với các nước Ðông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển”, bà Lan nói.
 010616-phatdongthanghanhdongvitreemnam2016.jpg
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Nai trao quà cho trẻ em đặc biệt khó khăn tại Định Quán
 

 

Tại Ðồng Nai, chưa có thống kê đầy đủ về số vụ TNTT đến thời điểm 2016, song đây vẫn là nỗi lo của xã hội. Mới đây, vào chiều 29-5, tại xã Ngọc Ðịnh, huyện Ðịnh Quán đã xảy ra một trường hợp đuối nước thương tâm. Nạn nhân là em Ðặng Minh Thanh, 9 tuổi, ấp Hòa Thành, xã Ngọc Ðịnh. Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29-5, Thanh xuống vũng nước sát nhà để tắm, không may bị trượt chân té ngã xuống hố nước sâu dẫn đến tử vong. Hố sâu này ngay sát nhà nhưng không hề có biển cảnh báo nên trẻ cứ xuống tắm và hậu quả là em Thanh đã tử vong. Gia đình Thanh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, Thanh và 4 đứa trẻ khác sống cùng bà nội… Từ đầu năm 2016 đến nay, Ðịnh Quán đã có 2 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước.
 
Tại huyện Xuân Lộc, cũng đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị TNTT, đuối nước dẫn đến tử vong. Bà Nguyễn Thị Chương, cán bộ phụ trách trẻ em huyện cho hay, tính từ năm 2010 đến 2013, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có 1.360 trẻ bị TNTT làm 41 trẻ tử vong, trong đó có 29 em tử vong vì đuối nước, 6 em bị tai nạn giao thông, 1 điện giật, 1 bị lốc xoáy, 3 bị té ngã và 1 em bị ngộ độc. Theo bà Chương, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ đến thời điểm 2016 nhưng tình trạng TNTT, đuối nước vẫn là nguy cơ rình rập trẻ em trên địa bàn.
 
Hậu quả từ những vụ TNTT ở trẻ em đã gây ra nhiều mất mát, đau thương đối với các gia đình; là nỗi ám ảnh khôn lường, nỗi đau và hậu quả có thể kéo dài suốt cuộc đời của những trẻ bị TNTT cũng như gánh nặng cho xã hội.
 
Phòng, chống tai nạn thương tích
 
Phó trưởng phòng Trẻ em Sở LÐ-TBXH Nguyễn Lệ Hằng cho biết, TNTT ở trẻ em vẫn đang là nỗi lo lớn với nhiều gia đình, cộng đồng và xã hội. Với chức năng của mình, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở nhiều chương trình, đề án nhằm phòng ngừa, hạn chế TNTT ở trẻ; đã có nhiều kế hoạch, chương trình được triển khai đến cơ sở nhằm hạn chế tình trạng này nhưng TNTT vẫn diễn ra, là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em. Bà Hằng nhấn mạnh, trong tổng số khoảng 11.000 trẻ em nằm trong 10 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguyên nhân chính từ những TNTT gây ra với trẻ. Ðây không chỉ là nỗi bất hạnh của bản thân các em, mà còn là nỗi đau xót của gia đình, người thân và là gánh nặng cho xã hội.
 
Cũng theo bà Hằng, từ thực tế đó, trong Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Ðồng Nai năm 2016 đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để tạo môi trường an toàn, điều kiện thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện. Trong đó nhấn mạnh 16 nội dung trọng tâm cần thực hiện trong Tháng hành động vì trẻ em như: các ngành phối hợp tổ chức ngày hội tuổi thơ, trại hè cho trẻ em đặc biệt khó khăn; tham gia xây dựng các mô hình: dạy kỹ năng bơi cho trẻ, kỹ năng sống, ứng phó với môi trường xung quanh, cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng về y tế, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện cho trẻ có môi trường lành mạnh, hạn chế thấp nhất hậu quả do TNTT gây nên.
 
Theo Thứ trưởng Ðào Hồng Lan, tùy đặc thù của các địa phương, nhưng để giảm thiểu TNTT trẻ em cần thiết phải thực hiện nhiều mô hình chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, tạo điều kiện để các em được vui chơi an toàn, được phát triển toàn diện, ươm mầm tài năng cho thế hệ tương lai.
 
Tại Ðồng Nai, ngoài triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về thực hiện Tháng hành động vì trẻ em, các ngành, các cấp và toàn xã hội đã có những hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em đặc biệt khó khăn như: đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống TNTT ở trẻ em; thăm và tặng 600 phần quà cho trẻ đặc biệt khó khăn không nằm trong diện bảo trợ xã hội tại các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Ðịnh Quán, Tân Phú; các doanh nghiệp đều tổ chức trao quà học giỏi sống tốt cho con công nhân viên chức lao động... Tất cả nhằm tạo điều kiện để trẻ em có môi trường an toàn, phát triển mọi mặt.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan cho biết, tình hình TNTT ở trẻ em nước ta còn rất cao so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính gây tử vong do TNTT là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 5-2016, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm như: vụ 3 học sinh lớp 1 chết đuối ngày 6-5 ở Long An; 5 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4-5 ở Khánh Hòa; 3 học sinh lớp 11 ở Nam Định tử vong khi tắm biển ở Nam Định... Dù vậy, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng việc phòng ngừa TNTT cho trẻ em, trong khi môi trường sống và môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích.
 
Ánh Nguyệt

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

44,997

Tổng lượt truy cập

555,986,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây