Nông nghiệp Đồng Nai chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ năm - 23/07/2015 08:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​​Những năm qua, Ðồng Nai đã chịu tác động xấu của nhiều loại hình thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH) gây thiệt hại về tính mạng con người, của cải vật chất và đặc biệt đang thách thức ngành Nông nghiệp. Ðể ứng phó với BÐKH, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ðồng Nai đã chủ động triển khai thực hiện đa dạng các mô hình sản xuất theo hướng bền vững.

 
​Thách thức ngày càng lớn
 
Theo các nhà khoa học, BÐKH sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, đất đai, thời vụ canh tác... cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản. Ðồng thời với đó là nguy cơ lây lan sâu bệnh, dịch bệnh... Tại Ðồng Nai, biểu hiện dễ nhận thấy nhất do tác động của BÐKH là tình trạng hạn hán xảy ra khá gay gắt trong những năm gần đây. 
 
 
Mô hình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ “2 bắp, 1 lúa” xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc thích ứng với điều kiện canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao
 
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Ðồng Nai, những năm gần đây vào mùa mưa, mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn, trong khi mùa khô ít có mưa trái chiều. Chính vì vậy, nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương trong tỉnh như Tân Phú, Ðịnh Quán, Xuân Lộc bị sụt giảm mạnh. Kết quả phân tích số liệu thống kê về tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh do Trường đại học Thủy lợi thực hiện, cho thấy các nguyên nhân cơ bản gây ra hạn hán gồm lượng mưa hằng năm giảm (chỉ đạt 85 đến 90% lượng mưa trung bình nhiều năm), lượng mưa mùa khô cũng như mùa mưa giảm, mực nước sông giảm, mùa mưa có xu hướng bắt đầu muộn hơn từ 20 đến 25 ngày, nhiệt độ tăng... Ðiều này đã khiến cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi nước vẫn luôn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp.
 
Xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc được xem là thủ phủ của cây tiêu với diện tích khoảng 600 ha. Thế nhưng, những năm gần đây người trồng tiêu tại đây đang “mất ăn, mất ngủ” do thiếu nước tưới trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Hầu hết, nguồn nước tưới cho cây tiêu tại đây là nước ngầm tự nhiên và nhiều người trồng tiêu đã “cày nát” diện tích đất ở, đất vườn để khoan giếng. Tuy nhiên, việc “tìm nước” ngày càng trở nên khó khăn do nguồn nước ngầm sụt giảm. “Những năm trước, chỉ cần khoan giếng ở độ sâu khoảng 50m là đã có nước phục vụ tưới tiêu. Thế nhưng hiện nay, phải khoan sâu tới 90m, thậm chí hơn 100m vẫn không có nước. Toàn ấp hiện có khoảng 100 giếng khoan phải lấp vì không có nước”, ông Trần Hữu Thắng, người trồng tiêu tại ấp Phước Lập, xã Xuân Thọ chia sẻ.
 
Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô cũng thường xuyên xảy ra và có xu hướng lấn sâu vào nội đồng. Mùa khô thì lo hạn hán, trong khi vào mùa mưa một số địa phương vùng thấp ven sông Ðồng Nai và hồ Trị An như các xã: Phước Thái, Long Phước huyện Long Thành; Phước Thiền, Phước An, Phước Khánh thuộc huyện Nhơn Trạch lại phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt.
 
Ðặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn kèm lốc xoáy xuất hiện thường xuyên và diễn biến ngày càng phức tạp hơn đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Mới đây, vào đầu tháng 7-2015, mưa lớn kèm lốc xoáy đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa đồng thời khiến nhiều diện tích cây trồng, rau màu của nông dân các huyện Trảng Bom, Thống Nhất bị gãy đổ, ngập úng. “Chỉ trong vòng nửa tháng đã xảy ra hai đợt ngập úng khiến gia đình thiệt hại hàng chục triệu đồng vì vườn rau bị mất trắng”, ông Nguyễn Văn Hùng, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất cho biết.
 
Ứng phó biến đổi khí hậu bằng nông nghiệp công nghệ cao
 
Trước những thách thức ngày càng lớn do BÐKH gây ra, từ năm 2010, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch ứng phó với BÐKH. Ðến nay, các ngành và các địa phương đã xây dựng các chương trình, dự án riêng để ứng phó.
 
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, để ứng phó với BÐKH, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn  đã tập trung điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ phù hợp với hoàn cảnh BÐKH; đa dạng hóa các mô hình sản xuất, thực hiện xen canh, luân canh. Ðồng thời, tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ rừng ngập mặn.
 
Ðặc biệt, hằng năm, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để ứng phó với BÐKH.
 
Ðồng Nai hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm với khoảng 7.000 ha. Phương pháp này không những giúp người nông dân giảm được chi phí nhiên liệu, phân bón, công lao động mà còn giúp tiết kiệm khoảng 40% lượng nước tưới tiêu. “Nếu tưới tay, tôi phải mất cả ngày mới tưới hết 1 sào tiêu và cứ 3 ngày phải tưới một lần. Từ khi áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thì khoảng 5, 6 ngày mới phải tưới một lần nên tiết kiệm được một lượng nước rất lớn”, ông Vương Ðoàn Ngoãn, nông dân trồng tiêu xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc chia sẻ.
 
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ như mô hình “2 vụ bắp, 1 vụ lúa” cũng được mạnh dạn áp dụng để ứng phó với BÐKH. Bên cạnh đó, việc hình thành các cánh đồng lớn nhằm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, tạo điều kiện để áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất cũng được đẩy mạnh.
 
Các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP; GlobalGAP) trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Với ưu điểm thân thiện với môi trường, giá bán cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm cao hơn đã bước đầu thuyết phục được người nông dân tham gia thực hiện.
 
Về lâu dài, việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hạn chế nguồn nước tưới, phân bón hóa học, tránh gây ô nhiễm môi trường đồng thời giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chính là hướng đi phù hợp để ứng phó với BÐKH.
 
Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
 
Theo Sở NN-PTNT, hiện tại trên địa bàn tỉnh có một số mô hình ứng dụng công nghiệp cao trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Ðó là các mô hình chăn nuôi gà chuồng mát có hệ thống lấy phân tự động của trại gà Lâm Thanh Ðức, ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình nuôi gà đẻ trứng có hàm lượng Omega 3 cao của Công ty Thiên Minh Ân, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); mô hình nuôi heo chuồng kín tại trang trại Hoàng Kim Thanh, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc); mô hình sản xuất nấm mèo giống, nuôi trồng nấm của Công ty sinh học Công Thành, phường Xuân An (TX. Long Khánh); mô hình trồng bưởi thâm canh cho năng suất 27 tấn trái/ha/năm của ông Vũ Văn Nhượng, tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú); mô hình trồng bắp vụ Ðông - Xuân tại Liên minh CLB năng suất cao xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), với năng suất đạt 11 tấn/ha.
 
Tùng Văn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

66,719

Tổng lượt truy cập

555,631,022
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây