Nhơn Trạch, Long Thành đón nhận danh hiệu nông thôn mới

Thứ năm - 09/06/2016 20:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Ngày 8-6, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh diễn ra lễ công bố và đón nhận danh hiệu nông thôn mới (NTM) cho 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Mặc dù với cả 2 địa phương, định hướng chính vẫn là phát triển công nghiệp, song 5 năm qua, Nhơn Trạch và Long Thành đã tập trung huy động,  phát huy tốt nhất mọi nguồn lực để xây dựng NTM.
 
Tập trung nâng cao thu nhập cho nông dân
 

 Hơn 5 năm trước, khu vườn hơn 3 ha của anh Trần Anh Trung, ấp Bàu Tre, xã Bình An, huyện Long Thành là khu vườn tạp với nhiều loại cây ăn trái. Do trồng không theo quy cách cùng với sử dụng giống cũ, nên năng suất vườn cây rất thấp khiến đời sống kinh tế của gia đình anh luôn thiếu trước hụt sau.

 
Sau khi tìm hiểu và nhận thấy lợi ích thiết thực từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, anh Trung quyết định cưa bỏ toàn bộ vườn cây tạp để chuyển sang trồng sầu riêng với 2 giống chính là Ri 6 và Mongthong. Ðồng thời, với sự giúp đỡ của Trạm bảo vệ thực vật Long Thành - Nhơn Trạch, anh Trung áp dụng đồng thời nhiều biện pháp canh tác tiên tiến trên vườn sầu riêng của gia đình. Ðặc biệt, để tăng hiệu quả tưới tiêu cũng như tiết kiệm công lao động, anh Trung đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ vườn sầu riêng. Nhờ sự đầu tư đồng bộ đó, năng suất vườn sầu riêng nhà anh Trung tăng rõ rệt. Vụ thu hoạch năm 2016 mới đây đạt hơn 20 tấn/ha (trước đây chỉ khoảng 13 tấn/ha) mang lại cho gia đình anh nguồn lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha.
 
09.06.2016-NhonTrach_LongThanh_don_nhan_danh_hieu_nt_moi_1.jpg
Người dân vui mừng khi các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp. Trong ảnh: Một tuyến đường giao thông nông thôn mới được đầu tư xây dựng tại ấp 6, xã An Phước, huyện Long Thành
 
 
Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng được người dân mạnh dạn đầu tư phát triển và bước đầu đã mang lại hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ðiển hình là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Kiều Hiếu, xã Vĩnh Thanh. Với quy trình chăm sóc khép kín bằng công nghệ của Nhật Bản, cộng với việc toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây dưa diễn ra trong nhà màng, tránh được tác động của môi trường bên ngoài nên chất lượng, năng suất dưa lưới luôn được đảm bảo. “Hiện gia đình có hơn 3.700m2 diện tích nhà màng để canh tác dưa lưới, mỗi năm canh tác 4 vụ. Năng suất bình quân vườn dưa lưới của gia đình mỗi vụ đạt khoảng 5 - 6 tấn. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình có nguồn thu từ 150 - 180 triệu đồng”, anh Hiếu cho biết.
 
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là hướng đi ưu tiên mà 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch triển khai trong chương trình xây dựng NTM.
 
Với định hướng trên, đến nay, huyện Long Thành đã hình thành được 22 vùng sản xuất tập trung với 6 loại cây trồng chủ lực là lúa, bắp, mì, rau, sầu riêng, điều với tổng diện tích 6.000 ha. Trong chăn nuôi, huyện cũng đã hình thành khu chăn nuôi tập trung với quy mô hơn 126 ha, với 185 trang trại quy mô sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 122 triệu đồng/ha/năm (tăng hơn 57 triệu đồng so với năm 2010).
 
Trong khi đó, huyện Nhơn Trạch cũng đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính tập trung như vùng mía nguyên liệu Ông Kèo; vùng sản xuất lúa ven sông Ðồng Nai, vùng sản xuất rau Long Thọ, Phú Thạnh; vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ. Ngoài ra, nhằm tạo sự ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, UBND huyện Nhơn Trạch đã kêu gọi các đơn vị chế biến nông sản tham gia xây dựng dự án cánh đồng lớn và chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay trên địa bàn huyện có 3 đơn vị tham gia chuỗi liên kết với các loại nông sản như mía, đu đủ, xoài, rau gia vị... nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt hơn 115 triệu đồng/ha/năm (tăng 86% so năm 2011, tương đương tăng 53,3 triệu đồng/ha/năm).
 
Sản xuất nông nghiệp được chú trọng phát triển khiến đời sống của người nông dân không ngừng được tăng lên. Ðến nay, bình quân thu nhập của người dân nông thôn 2 địa phương đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2011).
 
Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Long Thành đạt 40,6 triệu đồng/người/năm, tăng 206% so với năm 2010. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đạt 38,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 72% so năm 2011.
 
Thay đổi bộ mặt nông thôn
  
5 năm kể từ khi bắt tay vào xây dựng chương trình NTM, 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã thu được kết quả đúng như kỳ vọng, bộ mặt nông thôn tại Long Thành, Nhơn Trạch đã có những sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương an tâm đầu tư sản xuất.
 
 09.06.2016-NhonTrach_LongThanh_don_nhan_danh_hieu_nt_moi_2.jpg
 Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển trong xây dựng NTM của huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Trong ảnh: Trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Nhơn Trạch
 
“Trước đây, khi đường giao thông chưa được bê tông hóa, trời mưa đường lầy lội, nắng thì bụi mù mịt nên sinh hoạt của người dân rất vất vả, việc vận chuyển nông sản cũng rất khó khăn. Thế nhưng từ khi bắt tay xây dựng NTM, đường giao thông được đầu tư xây dựng nên sinh hoạt cũng như vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ sản xuất thuận lợi hơn nhiều”, bà Mai Thị Mai, người dân xã Bình Sơn, huyện Long Thành phấn khởi nói.
 
“Bí quyết” đưa đến thành công của Long Thành, Nhơn Trạch trong xây dựng NTM chính là tập hợp của nhiều chủ trương đúng đắn được triển khai phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, việc triển khai hiệu quả giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong 5 năm qua, tổng vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện Long Thành là trên 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm 21%, còn lại là do vốn vận động xã hội hóa. Còn tại huyện Nhơn Trạch, trong số 11.000 tỷ đồng xây dựng NTM, nguồn vốn do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp đã chiếm gần 80%.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân, khi bắt tay xây dựng NTM, huyện xác định nguồn vốn xã hội hóa là nguồn lực chính nên các cấp chính quyền đã tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp. Tuy nhiên, việc vận động phải trên tinh thần tự nguyện không ép buộc người dân phải góp nhiều, góp liên tục mà vận động, thuyết phục và chứng minh tầm quan trọng của những dự án để họ hiểu và tự nguyện tham gia.
 
Tương tự, huyện Nhơn Trạch cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp hiểu về ý nghĩa của xây dựng NTM trước, sau đó mới vận động họ tham gia góp công, góp của, làm linh hoạt, không máy móc.
 
Với cách làm trên, đến nay, 100% đường giao thông do huyện quản lý, đường trục xã, liên xã của 2 huyện đều được nhựa hóa. Tỷ lệ nhựa hóa đường ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng huyện Long Thành là 53,4%; huyện Nhơn Trạch là 38,9%, số còn lại cũng đã đạt cứng hóa.
 
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.
  
Đến nay, huyện Long Thành đã có 11/13 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 84,6%. (Riêng xã Suối Trầu không thực hiện do phần lớn diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Trong khi đó, huyện Nhơn Trạch hiện có 10/12 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 83,3%.
  
 
Tùng Văn

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

16,473

Tổng lượt truy cập

556,023,419
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây