Những ngày giữa tháng 8 này, di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đồng Nai tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu có nhiều đoàn khách ghé thăm hơn. Trong đó, không ít đoàn đến đây để tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới.
Ngoài tận mắt tham quan địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, các vị khách khi ghé thăm di tích lịch sử này còn cảm thấy thú vị khi được gặp gỡ gia đình ông Huỳnh Văn Ngọc (một chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị giặc Pháp tra tấn đến chết vào năm 1946) - một gia đình một lòng một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Quận (phải) bùi ngùi tưởng nhớ các đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Phước - Tân Triều.
* Ký ức về những chiến sĩ kiên trung
Vừa hướng dẫn cho chúng tôi xem tấm bia ghi lại sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, ông Huỳnh Văn Quận, con trai ông Huỳnh Văn Ngọc, vừa bày tỏ niềm tự hào khi gia đình ông đã từng là căn cứ cách mạng, nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính khu đất xây dựng nhà bia tưởng niệm bây giờ, trước đây là căn nhà nhỏ của cha mẹ ông, cũng là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng như thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều vào tháng 2-1935. Hiện trên bia tưởng niệm vẫn còn khắc tên những đảng viên cộng sản đầu tiên, những chiến sĩ kiên trung, như: Hoàng Minh Châu, Bí thư chi bộ; Huỳnh Xuân Phan, Phó bí thư chi bộ và các đảng viên, như: Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quách Tỷ, Quách Sanh, Trần Minh Triết. Tại đây cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa vào đầu năm 1937 do đồng chí Trương Văn Bang - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ được cử về làm Bí thư tại Biên Hòa.
Nói về người cha anh dũng của mình, ông Quận bồi hồi, cho biết ông có nghe mẹ ông kể lại, vào năm 1940-1945, cha của ông bị Pháp bắt do bị chỉ điểm nên bị “đày đi biệt xứ” ở nhiều nơi như Côn Đảo, Kiên Giang. Mãi đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, cha của ông mới được thả về nhà và ngay sau đó, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Căn hầm phía dưới căn nhà xây nhà bia tưởng niệm này tiếp tục là nơi diễn ra các hội nghị quan trọng.
* Ấn tượng lá cờ đỏ sao vàng
Một trong những ấn tượng của ông Quận về ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám là vào một đêm cuối tháng 8-1945, khi ông lúc đó là cậu bé 10 tuổi tỉnh giấc nhìn ra vườn thì thấy cha của mình và đồng đội đang chặt cây nứa để thử cắm cờ. Lần đầu tiên trong đời ông thấy 2 lá cờ to như vậy. Đến sáng hôm sau, tại ngã ba Bình Ý, 2 lá cờ này được treo cao, ông mới thấy rõ một lá cờ màu đỏ có hình sao vàng và một lá cờ màu đỏ có hình búa liềm. Tại đây, đồng chí Hoàng Minh Châu đã đọc diễn thuyết mà sau này ông Quận mới hiểu hết ý nghĩa quan trọng của buổi mít tinh này, đó là tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.
Có thể nói rằng, từ những “hạt giống đỏ” đầu tiên của Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, Đảng bộ Biên Hòa ngày càng phát triển vững mạnh. Trước thắng lợi rực rỡ của cuộc khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội vào ngày 19-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời, quân dân Biên Hòa đã tổng khởi nghĩa, buộc tỉnh trưởng ngụy Nguyễn Văn Quý phải chuyển giao chính quyền cho đại diện nhân dân trưa 26-8-1945. Đến sáng 27-8-1945 tại Quảng trường Sông Phố (nay là khu vực bùng binh trước UBND tỉnh) đã diễn ra ngày hội lịch sử mừng độc lập, thống nhất của nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai với hàng vạn người tham gia.
Tại lễ mít tinh mừng chiến thắng, đồng chí Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân và công bố UBND cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch. Tham gia lễ mít tinh, người dân đã phấn khởi cầm chặt trên tay cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”, chấm dứt những năm dài sống trong nô lệ, xích xiềng của chế độ thực dân phong kiến.
An An