Ngày 31-3, Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức buổi giới thiệu các tác phẩm mới của các tác giả Ðồng Nai đến với bạn đọc.
Các tác phẩm được giới thiệu là tập bút ký “Theo dòng chảy Ðồng Nai” (NXB Ðồng Nai) của nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải; tập thơ “Trái tim người lính” (NXB Văn hóa - văn nghệ) của Ðại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước và tập thơ “Giấc mơ về nơi ấy” (NXB Hội Nhà văn) của hai tác giả Ðinh Hoàng Loan - Nguyễn Hữu Thịnh.
Theo dòng chảy Ðồng Nai là tập bút ký viết về Ðồng Nai qua trải nghiệm của nhà văn Nguyễn Thái Hải, một người gắn bó với Ðồng Nai ngay từ thuở ấu thơ. Tác giả đã sắp xếp bài viết theo từng nhóm chủ đề như thiên nhiên - lịch sử, tôn giáo - dân tộc, văn hóa - xã hội… và trình bày dưới dạng các bài viết nhỏ. Ngoài lời mở đầu, Theo dòng chảy Ðồng Nai là tập hợp 26 bài viết, gồm những tư liệu, cảm nhận, đánh giá, thắc mắc cùng với lời bàn gửi gắm đến người đọc. Ðộc giả có thể đọc bất cứ bài nào mà không cần theo trật tự từ đầu đến cuối. Tác phẩm dẫn chúng ta đi theo những bước chân của tác giả đặt lên hầu khắp các vùng miền núi, rẻo cao, hay đồng bằng để tìm chất liệu thực từ cuộc sống.
ThS. Phan Ðình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Cuốn sách có cách viết nhẹ nhàng với những nơi tác giả từng gắn bó. Lối kể chuyện làm chúng ta cảm nhận được những địa danh gần gũi ở Ðồng Nai, thậm chí phảng phất trong đó tình yêu, về truyền thống văn hóa của dân tộc…”. Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hoàng Ngọc Ðiệp nhận xét: “Nếu ai chưa hoặc mới đặt chân đến Ðồng Nai thì hãy tìm đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thái Hải để hiểu thêm về vùng đất, con người mà mình đang muốn đến”.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải giới thiệu về tập bút ký Theo dòng chảy Đồng Nai
Tập thơ Trái tim người lính của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ðại tá Lê Bá Ước lại mang sắc thái riêng của một người lính từng kinh qua các cuộc chiến tranh. Người lính làm thơ - người chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa nay đã qua tuổi bát tuần nhưng tâm hồn thơ vẫn rất trẻ trung. 90 bài thơ trong Trái tim người lính không chỉ viết về hoài niệm, cuộc sống gian khổ xa xưa, không chỉ nói đến chuyện yêu nước, yêu dân, yêu Ðảng mà còn thể hiện rất mượt mà tình yêu đôi lứa. Nhà văn Trần Ðăng Kháng đánh giá: “Dù là người lính làm thơ nhưng thơ của anh hùng Trần Bá Ước lại rất hào sảng như tính cách của con người vùng đất Nam bộ, không nhìn cái khó khăn, bế tắc bằng nỗi buồn mà biết cách vượt lên nó. Thơ của Trần Bá Ước không những phù hợp với người lớn tuổi mà thế hệ trẻ còn tìm thấy trong đó những nhân chứng của lịch sử, hoài bão một thời của cha ông”.
Tập thơ “Giấc mơ về nơi ấy” với hơn 60 bài của hai tác giả Ðinh Thị Hoàng Loan và Nguyễn Hữu Thịnh thật sự đưa người đọc về một thái cực khác, thái cực của đôi lứa yêu nhau, gặp nhau, thề hẹn nhau qua thơ. Người đọc lại một phen ngỡ ngàng khi biết đôi bạn trẻ yêu nhau này có một số phận đặc biệt, họ ở cách nhau hai đầu đất nước, cùng sinh ra sau hòa bình nhưng lại gặp di chứng nặng nề của chiến tranh. Chất độc da cam khiến con người họ không được lành lặn, cuộc sống sinh tồn vốn dĩ rất khó khăn nhưng không đánh gục được ý chí vươn lên của 2 người. Rồi họ đồng cảm với nhau, yêu nhau qua thơ dù cho Hoàng Loan ở Ðồng Nai còn Hữu Thỉnh tận mãi Hải Dương nên chưa được một lần gặp mặt. Ðâu đó trong tập thơ là những lời tâm sự, nhắn nhủ, hỏi han nhau của 2 người đang yêu. Họ hò hẹn và cuối cùng đã được gặp nhau, hàn huyên với nhau qua “Giấc mơ về nơi ấy”.
Nhà thơ Hoàng Ðình Nguyễn đánh giá tập thơ có lối thể hiện dồi dào cảm xúc, giản dị và chân thật, là tấm lòng của người yêu gửi đến người yêu trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Dù cho thân thể không đầy đặn nhưng tình yêu đôi lứa dành cho nhau thì luôn luôn đẹp. Gấp sách lại, người đọc có dịp được chiêm nghiệm lại mình, chiêm nghiệm để thấy trân trọng và quý giá những nỗ lực trong cuộc sống và tình yêu mà Hoàng Loan - Hữu Thịnh dành cho nhau.
Gia Văn