“Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Đối với nhiều người dân phương Nam, câu thơ trên của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ như nói thay lòng mỗi khi nhớ về quê cha đất Tổ.
Hằng năm, cứ đến dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tình cảm tha thiết ấy lại gợi về trong tâm thức của bao người con đất Việt. Ngoài việc trở về Đền Hùng tham gia Giỗ tổ, đây cũng là dịp để những người con Đồng Nai hướng tấm lòng thành của mình về với tổ tiên, về với nguồn cội.
Tri ân công đức tổ tiên
Nhiều sử sách còn lưu lại rằng Giỗ tổ Hùng Vương đã có từ thời nhà Triệu và được lưu truyền trong suốt các triều đại phong kiến nước ta. Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với dân tộc Việt. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian khi hướng về cội nguồn đất Tổ mà thời đại văn hóa Vua Hùng dựng nước đã kết lắng nên những yếu tố văn hóa căn bản và làm nên bản sắc văn hóa dân tộc - văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”. Có thể nói, lịch sử là dòng chảy liên tục trải mấy nghìn năm trước bao biến động của những thăng trầm, thế nhưng trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên.

Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Phạm Anh Dũng dâng hương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương tại Văn miếu Trấn Biên năm 2015.
Theo kế hoạch của UBND TP. Biên Hòa, lễ Giỗ tổ Hùng Vương do UBND TP. Biên Hòa và Ban trị sự Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương phối hợp tổ chức. Mặc dù lễ chính chỉ diễn ra trong một ngày 10-3 (âm lịch) nhưng nhiều ngày trước đó không khí lễ hội đã diễn ra nhộn nhịp, ban tổ chức đã bố trí đón tiếp các đoàn khách về dự lễ giỗ. Phần lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Riêng tại lễ chính giỗ, UBND TP. Biên Hòa sẽ chủ trì, cùng với người dân địa phương, du khách ôn lại tiểu sử, công đức của 18 vị Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước; dâng hương tưởng niệm và công bố quyết định bằng xếp hạng Di tích lịch sử Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP. Biên Hòa Nguyễn Ngọc Hương cho biết: “Giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội tôn vinh văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước. Với thời gian 3 ngày diễn ra lễ hội, mọi người cùng nhau hội tụ về Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương để dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của Vua Hùng. Trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, trống âm vang gợi nhớ về thuở xa xưa, đoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, nhạc lễ thành kính và đoàn cờ phướn lộng lẫy trong tâm tưởng hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc. Lễ Giỗ tổ sẽ cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc về giá trị của một tín ngưỡng bền vững trong cộng đồng - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Giỗ tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành một ngày trọng đại của dân tộc. Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sôi động, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian như: tổ chức các trò chơi dân gian, phố ông Đồ; hội thi nấu bánh chưng, bánh dày và trang trí mâm ngũ quả; hội chợ ẩm thực... Đặc biệt, trong dịp Giỗ tổ năm nay có các hoạt động nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa vùng miền như: biểu diễn đờn ca tài tử; biểu diễn cải lương, ca múa nhạc tổng hợp tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương… Tất cả nhằm góp phần thể hiện triết lý “Con người có Tổ, có Tông như cây có cội, như sông có nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa, xây dựng nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Trong những ngày diễn ra lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Phòng Văn hóa - thông tin phối hợp với Thành đoàn Biên Hòa và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng”. Tham gia hội thi, có 15 đơn vị đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT của TP. Biên Hòa. Các tiết mục dự thi xoay quanh các câu chuyện như: Sự tích con Rồng cháu Tiên, sự tích dưa hấu, sự tích Thánh Gióng, sự tích bánh chưng bánh dày, sự tích “Tiết liêu hai món bánh”… Nhiều thí sinh đã có sự chuẩn bị chu đáo, nhiều hoạt cảnh sinh động, cách kể chuyện truyền cảm làm xúc động người xem.
Nguyễn Thị Hà An, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Em rất vui và vinh dự khi được đại diện cho trường tham gia hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng”. Hội thi đã giúp em rút ra được nhiều bài học bổ ích về lòng biết ơn tổ tiên đã dựng nước, giữ nước. Đó là động lực để em và các bạn ra sức thi đua phấn đấu học tốt, biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè, biết sống theo đạo lý ngàn đời của dân tộc”.
Kết thúc hội thi, Ban giám khảo đã trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Thị Mai (Trường mầm non Tân Mai), giải nhì cho thí sinh Vũ Ngọc Kim Ngân (THPT Ngô Quyền), giải ba cho thí sinh Lê Thị Thu Hiền (THPT Ngô Quyền) cùng nhiều giải phụ khác.
Thầy Trần Như Long, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương TP. Biên Hòa cho biết: “Hướng về ngày Giỗ tổ 10-3, thời gian qua, Trường THCS Hùng Vương cũng đã tổ chức một số hội thi tìm hiểu lịch sử, gắn với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tổ chức cho các em học sinh đến tham quan, chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích thờ cúng Hùng Vương nói riêng ở các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, trong chương trình dạy của mình, mỗi giáo viên đều lồng ghép các kiến thức lịch sử, văn hóa góp phần bồi đắp niềm tự hào về truyền thống của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, từ đó kích thích tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh. Lễ dâng hương nhân ngày Giỗ tổ là một sự kiện văn hóa, tín ngưỡng và là một hoạt động truyền thống hằng năm nằm trong chuỗi các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của nhà trường. Thông qua hoạt động này nhằm giáo dục các em học sinh lòng biết ơn sâu sắc đến các đấng tiền nhân - người đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời ôn lại truyền thống của nhà trường khi được vinh dự mang tên vị Quốc tổ Hùng Vương”.
Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một dòng máu Lạc Hồng như dân tộc ta. Vì thế, từ trong ý thức tâm linh, cả dân tộc luôn hướng về ngày Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương:
“Bốn nghìn năm cũ còn công lớn,
Mười tám bia truyền dễ lối thăm.
Trăm trứng tiên rồng chung một bọc,
Ba kỳ hương khí chúc muôn năm”.
(Đề đền Vua Hùng Vương)
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Từ năm 2007 đến nay, Giỗ tổ Hùng Vương được nâng tầm thành Quốc giỗ. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm vào Mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
My Phạm