Trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt hơn 4,2 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù chịu ảnh hưởng do đồng euro giảm giá, song thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được mở rộng.
Chỉ riêng tháng 2-2015, do các doanh nghiệp tại Đồng Nai nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên kim ngạch xuất khẩu nằm dưới 1 tỷ USD, những tháng còn lại giá trị xuất khẩu hàng hóa đều vượt ngưỡng 1 tỷ USD/tháng.
Sản xuất gốm trang trí xuất khẩu tại Công ty cổ phần gốm Việt Thành (TP. Biên Hòa).
* Nhiều nhóm hàng tăng
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, những mặt hàng chủ lực của tỉnh luôn giữ được mức tăng trưởng 2 con số là: giày dép các loại, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, túi xách, ví, vali, mũ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, hạt điều, hạt tiêu...
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), cho biết: “Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn của công ty nên khi đồng Euro mất giá đã gây ảnh hưởng không nhỏ. Để bù lại, công ty tăng cường xuất khẩu sang những thị trường khác, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản... nên 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc của công ty vẫn tăng 77% so với cùng kỳ năm trước”. Theo ông Hoàng, Công ty cổ phần Đồng Tiến vẫn đang mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Tương tự, trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã mở rộng được thị trường xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác. Và các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhiều hơn để hưởng các ưu đãi về thuế quan. “Thị trường xuất khẩu các sản phẩm, linh kiện điện tử của công ty những tháng đầu năm rất tốt, tăng cả về số lượng lẫn giá trị hàng hóa. Thị trường lớn nhất của công ty là Nhật Bản, các nước trong khối ASEAN và châu Âu. Cuối năm, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu” - ông Lê Đức Vinh, Giám đốc hành chính và nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
* Chờ cơ hội tốt
Trên 80% kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai thuộc về các doanh nghiệp FDI. Gần 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển dịch các nhà máy về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai để đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại sắp ký kết. Các doanh nghiệp này đang ưu tiên tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để hưởng các ưu đãi khi các hiệp định được thông qua. Điều đó thể hiện qua việc xuất siêu những tháng đầu năm tăng.
Bà Nguyễn Thị Trang, cán bộ xuất nhập khẩu Công ty cổ phần công nghiệp gốm sứ Taicera ở Khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành) một trong 3 doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ lớn nhất Đồng Nai, nói: “Gần 60% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ và châu Âu. Hiện công ty đang tiến hành mở rộng thị trường vào những nước thuộc khu vực TPP, ASEAN để hưởng các ưu đãi về thuế”. Những chủ doanh nghiệp có hàng xuất khẩu cho biết, họ đang tính toán và đưa ra các giải pháp để có thể cạnh tranh với hàng hóa các nước trong khối ASEAN, TPP và tăng thêm các cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường tiềm năng, như: Mỹ, Nhật Bản, Chile... Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, các doanh nghiệp FDI chuẩn bị đón cơ hội từ Hiệp định TPP khá sớm. Họ thường xuyên liên hệ với hải quan tìm hiểu thông tin để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Hương Giang