Mang đến những cơ hội lớn đi cùng với những thách thức lớn, các FTA đang đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đứng trước sự lựa chọn: đổi mới công tác quản trị và liên kết để tồn tại, phát triển hay là bị bỏ lại sau lưng.
Cần đổi mới công tác quản trị
Nhiều ý kiến chuyên gia và ngay cả chính bản thân các DNVVN đều cho rằng, đến thời điểm này, sự thiếu hụt về nguồn vốn hay khả năng tiếp cận thị trường… không phải là yếu thế mang tính quyết định mà chính sự thiếu hụt về công tác quản trị doanh nghiệp với hàng loạt lĩnh vực như: quản trị nguồn nhân lực, quản trị makerting, quản trị thị trường, quản trị tài chính, quản trị công nghệ…đang là yếu thế lớn nhất của DNVVN.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty luật Đông Á kiêm Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh cho rằng, yếu thế lớn nhất của DNVVN hiện nay là công tác quản trị doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp cần nhận thức được cơ hội trong bối cảnh hiện nay để nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới. Không có cách nào khác, chính là phải đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp. Điều này, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn khẳng định, trong thực tế sản xuất kinh doanh, khả năng quản trị về nguồn lực lao động, về makerting, về tài chính, về công nghệ… luôn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Nhờ quản trị công nghệ tốt, Công ty CP An Phú Thịnh đã tạo dựng được tên tuổi trong ngành cung cấp bảo hộ lao động
Phân tích cụ thể hơn, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất của DNVVN hiện nay là nội lực yếu và quản trị doanh nghiệp yếu. “Trong quản trị doanh nghiệp của DNVVN hiện nay, yếu nhất vẫn là quản trị chi phí và quản trị dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tuy biết cách kinh doanh nhưng lại không biết quản trị dòng tiền. Do đó, khi mở rộng quy mô thường rơi vào khó khăn, thậm chí là phá sản”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, với các lãnh đạo doanh nghiệp, việc quản lý dòng tiền là một việc không hề đơn giản. Để nắm chắc dòng tiền hàng ngày, di chuyển dòng tiền một cách hợp lý, hiệu quả… đòi hỏi cần có kiến thức về tài chính. Trên thực tế trong không ít trường hợp, chỉ cần đẩy nhanh tốc độ dòng tiền là doanh nghiệp đã có thể chuyển lỗ thành lãi. Hiện nay, đa số các DNVVN chưa có chuyên viên tài chính tách khỏi bộ phận kế toán, phần lớn là làm việc kiêm nhiệm. Năng lực và tầm quan trọng của bộ phận tài chính vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không quản trị dòng tiền hiệu quả, sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính, không chi trả đúng hạn các khoản nợ, mất khả năng thanh toán… Để quản trị dòng tiền tốt, các doanh nghiệp cần phải làm từ những công việc đơn giản nhất như việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế lương và khen thưởng…
Theo ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thế Linh, để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới, với các DNVVN dù muộn vẫn còn hơn là không làm gì. Hãy bắt đầu thay đổi tư duy để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, uy tín, giữ được niềm tin của người tiêu dùng. Muốn vậy, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư mua công nghệ tiên tiến vì nếu ham rẻ, chọn công nghệ lạc hậu sẽ “lợi bất cập hại”. Bên cạnh đó, việc trang bị bài bản kiến thức kinh doanh hiện đại, đặc biệt là trong công tác quản trị doanh nghiệp cần được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm hơn… Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, năm 2012, Công ty Thế Linh đã không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để thuê đơn vị tư vấn về chiến lược; năm 2014 là tư vấn về sản xuất; năm 2015 là tập trung đầu tư mạnh về phát triển thị trường và công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng liên tục được chú trọng.
“Từ những việc làm trên, Công ty Thế Linh đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất và năng suất, hiệu quả cao nhất. Thị phần của công ty cũng ngày càng được mở rộng”, ông Linh chia sẻ.
Liên kết để tồn tại
Chỉ có liên kết mới giúp các DNVVN có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Bởi với nhiều yếu thế, DNVVN rất khó có cơ hội trong môi trường kinh doanh với sự đổ bộ của các ông lớn mạnh cả về tiềm lực và kinh nghiệm của nước ngoài trong thời gian tới.
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông quan (chuyên về lĩnh vực logistics) kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, các doanh nghiệp logistics hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn. Hoạt động nhỏ lẻ và nội lực yếu khiến sự cạnh tranh trở nên yếu ớt. “Với các FTA sắp sửa ký kết đi cùng là sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp “đình đám” nước ngoài trong lĩnh vực này, nếu các doanh nghiệp logistics Việt Nam không liên kết lại để tạo thành chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh của dịch vụ thì chỉ có con đường “chết” hoặc làm gia công cho các ông chủ lớn kia mà thôi”, ông Điềm bày tỏ.
Còn theo ông Phạm Đức Bình, khi Hiệp định TPP được ký kết, khó khăn nhất vẫn thuộc về ngành Nông nghiệp, nhất là chăn nuôi. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cộng thêm việc phải nhập khẩu từ con giống đến thức ăn và hầu hết các nguyên, phụ liệu khác…ngành Chăn nuôi ít có cơ hội để cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để ngành Chăn nuôi của cả nước nói chung và của Đồng Nai nói riêng đứng vững khi gia nhập TPP, cần phải “đi trên đôi chân của chính mình”.
“Người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải thay đổi cách làm từ trước đến nay là “mạnh ai nấy làm”. Theo đó, cần tạo nên các chuỗi liên kết trong chăn nuôi giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi thông qua mô hình HTX hoặc giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp tạo một quy trình khép kín tự cung ứng, từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y, giết mổ, thị trường…nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm thịt ngoại”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm nêu trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo (NN-PTNT) cho rằng, trước thềm hội nhập, cả người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải thấy được việc làm ăn nhỏ lẻ không thể tồn tại. “Trong cơn bão thị trường hội nhập, người chăn nuôi cần phải liên kết với nhau tạo sản phẩm đồng nhất và liên kết với doanh nghiệp tạo nên chuỗi liên kết cung cấp sản phẩm chăn nuôi ra thị trường với chất lượng cao, giá thành rẻ mới tạo được sản phẩm cạnh tranh”, ông Đạo khẳng định.
Cũng theo ông Đạo, để ngành Chăn nuôi hội nhập nền kinh tế thế giới, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong phát triển chăn nuôi. Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu ban hành chính sách liên kết trong chăn nuôi và thủy sản vì chỉ có liên kết mới có thể tồn tại và đứng vững.
Đội ngũ quản trị doanh nghiệp cần có tầm nhìn mới
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường, tham gia hội nhập, Nhà nước và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp trong nước trong quan hệ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, việc định hướng cung cấp thông tin hay các chương trình xúc tiến giúp kết nối doanh nghiệp với thị trường đều là những biện pháp tạm thời, ngắn hạn, không thể kéo dài. Để dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập vững vàng, đội ngũ quản trị doanh nghiệp cần có tầm nhìn mới, khát vọng mới, năng lực mới, giá trị mới thì mới có thể đáp ứng. Theo đó, các Hội, Hiệp hội ngành hàng, các DNVVN hoạt động trong cùng lĩnh vực, sau khi xác định được các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và thị trường mục tiêu của mình, cần phải rà soát lại các nguồn lực, chủ động triển khai tổ chức việc “liên kết sản xuất, liên kết thị trường hóa” nhằm tối đa hóa nội lực, đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện để tham gia thị trường TPP theo hướng bền vững.
“Các doanh nghiệp địa phương muốn tận dụng cơ hội mà TPP mang lại, điều quan trọng là phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường khẳng định.
Phương Linh