Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguyên tắc quan trọng, là yêu cầu hàng đầu và là nhân tố quyết định góp phần “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mệnh là đoàn kết lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mệnh; Đảng có đoàn kết, thống nhất mới có thể lãnh đạo được nhân dân.
Khắc phục hạn chế
Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở đảm bảo cho Đảng thực sự vững mạnh, là nền tảng vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi.
Đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, về hạn chế, Nghị quyết của Đảng nêu rõ: Ở một số nơi đã xuất hiện dấu hiệu nội bộ tổ chức Đảng mất đoàn kết kéo dài, có chỗ trở nên nghiêm trọng; chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao. Không ít tổ chức Đảng chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ...; sự đoàn kết nhất trí của một số cấp ủy còn yếu. Hiện tượng mất đoàn kết nội bộ chậm được khắc phục, thậm chí còn có xu hướng phát triển ở nơi này, nơi khác...; thực tế là có nơi, có lúc người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và cấp mình về sự đoàn kết thống nhất nội bộ lại chưa thực sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh (khóa X) không thường kỳ vào tháng 3-2016
Thực tế cho thấy, trong tổ chức Đảng, trong cơ quan, đơn vị ở đâu, nơi nào sự đoàn kết thống nhất càng cao thì tác động, ảnh hưởng, sức lan tỏa ra xã hội càng lớn, và ở nơi đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao thành công và phát triển. Ngược lại, nếu ở đâu, nơi nào trong tổ chức Đảng, trong cơ quan, đơn vị, những người nắm trọng trách lãnh đạo, nếu ý thức trách nhiệm thấp, để mất đoàn kết, thống nhất thì tiềm ẩn nguy cơ thiếu sự đồng thuận, nội lực bị phân tán và mất đi tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi để phát triển, thực hiện nhiệm vụ chính trị gặp khó khăn, không giữ gìn được tình đồng chí, đồng nghiệp...
Thực hiện lời căn dặn của Bác
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng… Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12). Để giữ gìn được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cần phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất và hài hòa các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; kỷ luật nghiêm minh tự giác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình. Người căn dặn: Cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái trong Đảng. Đấu tranh phê phán hiện tượng thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, phát hiện sớm và kiên quyết giải quyết dứt điểm mọi hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Công tác kiểm tra giúp cho các cấp ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết, đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên không ngừng chăm lo củng cố và xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Sự đoàn kết, thống nhất phải là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất trong ý chí, tư tưởng và trong hành động; đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất trước sau như một, phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Tư tưởng và hành động phải thống nhất, nói đi đôi với làm. Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Chống đoàn kết hình thức, xuôi chiều, nể nang, “dĩ hòa vi quý”, chống tình trạng bè phái, cục bộ trong tổ chức Đảng, đó thực chất là mầm mống của mất đoàn kết.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất quán nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng về chính trị - tư tưởng phải gắn liền với xây dựng đoàn kết, thống nhất về tổ chức. Các tổ chức Đảng phải củng cố khối đoàn kết, thống nhất trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; tích cực đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, chủ động đấu tranh với mọi quan điểm sai trái, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí tài sản của Nhà nước và của nhân dân, tạo sự đồng thuận, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, cởi mở, bình đẳng, dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa…; kết hợp hài hòa giữa dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong thực hiện dân chủ cần khắc phục tệ quan liêu, gia trưởng, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, coi thường ý kiến người khác, dân chủ hình thức; đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng dân chủ để gây rối, vô tổ chức, vô kỷ luật, tự do vô nguyên tắc.
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Việc xây dựng, củng cố sự đoàn, kết thống nhất trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định bảo đảm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.
Đăng Hoài