Chủ động nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ ba - 07/06/2016 08:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

Hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng phức tạp, là nguyên nhân chính của các kiểu thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đông đảo người dân. Điển hình như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra khốc liệt ở Nam bộ và trên địa bàn tỉnh mùa khô 2015 - 2016 vừa qua. Theo dự báo, những năm tới, hiện tượng BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến rất khó lường.

​Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) và các sở, ngành liên quan hiện đang triển khai thực hiện 3 dự án nghiên cứu để xây dựng kịch bản ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh. Nhân Ngày Môi trường thế giới 2016, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
 
 07-06-2016_chudongnghiencuuungphobiendoikhihau.jpg
                Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường
 
 
* P.V: Thưa ông, hiện nay hiện tượng BÐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt như trong mùa khô vừa qua, nắng nóng kéo dài gây hạn hán cũng như xâm nhập mặn tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Vậy Sở TN-MT đã xây dựng kịch bản ứng phó với tình trạng BÐKH được dự báo sẽ có những diễn biến khó lường trong thời gian tới như thế nào?
 
- Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường: Theo kịch bản ứng phó với BÐKH của tỉnh Ðồng Nai, dự báo đến năm 2020 các khu vực có khả năng xâm nhập mặn cao (ranh mặn 4‰) sẽ gồm xã Phước An, huyện Nhơn Trạch và xã Phước Bình, huyện Long Thành.
 
Do vậy, trong thời gian qua, các sở, ngành thực hiện 3 dự án, gồm: “Nghiên cứu xây dựng chương trình khoa học công nghệ ứng phó BÐKH giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2050”; “Nghiên cứu ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp quản lý lưu vực sông và giảm thiểu tác động sự xâm nhập mặn do BÐKH đến lưu vực sông của tỉnh Ðồng Nai” và “Nghiên cứu khả năng ngập của tỉnh Ðồng Nai trong bối cảnh BÐKH”. 
 
Song song đó, tỉnh cũng đã thực hiện các dự án: “Gia cố bờ sông, đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía Cù lao Phố và đoạn từ Ðình Phước Lư đến khu dân cư dọc sông Rạch Cát”; dự án “Kè chống sạt lở hai bờ sông Ðồng Nai bảo vệ TP. Biên Hòa; dự án “Sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, như hồ chứa nước Gia Ui, huyện Xuân Lộc; hồ chứa nước Ða Tôn, huyện Tân Phú; hồ chứa nước Sông Mây, huyện Cẩm Mỹ; dự án đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi hồ chứa nước Gia Ðức, huyện Thống Nhất.
 
Ngoài ra, hằng năm, Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH trên các phương tiện thông tin, đại chúng và pano điện tử; đồng thời công khai thông tin về diễn biến chất lượng môi trường theo định kỳ trên trang thông tin điện tử của Sở để cộng đồng dễ dàng theo dõi.
 
* P.V: Ðồng Nai là địa phương có hoạt động kinh tế công nghiệp năng động với nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Vậy Sở TN-MT đã có những giải pháp nào nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Ðặc biệt là các giải pháp bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Ðồng Nai vốn chịu nhiều tác động từ hoạt động sản xuất công nghiệp, thưa ông?
 
- Ông Nguyễn Ngọc Thường: Ðồng Nai nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp. Do vậy, trong quá trình sản xuất đã phát sinh một lượng lớn chất thải cần phải xử lý. Ðiều đó đã gây áp lực rất lớn đến môi trường và công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường của các ngành chức năng của tỉnh.
 
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trong đó luôn ưu tiên ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến trong kiểm soát nguồn thải, hạn chế việc xử lý “cuối đường ống”. Kiên quyết không thu hút đầu tư các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, hạn chế sự suy giảm đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
 
Bên cạnh đó, đối với các cơ sở sản xuất đang hoạt động, Sở TN-MT tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thông qua kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu tư, vận hành các hệ thống quan trắc tự động nước thải tại các khu công nghiệp tập trung.
 
Song song đó, định kỳ hằng năm, Sở thực hiện quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt tại 153 vị trí trên lưu vực sông Ðồng Nai (có 7 trạm quan trắc nước mặt tự động). Qua đó, kịp thời công khai kết quả quan trắc chất lượng nước sông Ðồng Nai trên các phương tiện thông tin, đại chúng để cộng đồng theo dõi nhằm có các giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm môi trường gây ra.
 
Vấn đề bảo vệ môi trường cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Vì vậy, Sở TN-MT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư bằng các hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, dễ hiểu dễ thực hiện để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.
 
* P.V: Thưa ông, hiện tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp. Ðiển hình như vụ sát hại con bò tót 200kg ở Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai cuối tháng 2 vừa qua gây xôn xao dư luận. Vậy Sở đã có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng trên?
 
- Ông Nguyễn Ngọc Thường: Hiện nay, hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học đang được hoàn thiện nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các loài, cũng như ưu tiên bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, quý hiếm. Tại tỉnh Ðồng Nai, Sở TN-MT phối hợp cùng Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, lực lượng kiểm lâm thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm. Ngoài ra, các lực lượng như Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, lực lượng hải quan, lực lượng quản lý thị trường cũng tham gia vào công tác quản lý, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán động vật hoang dã.
 
Năm 2016, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Ðịnh Quán và UBND huyện Tân Phú thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học cho cộng đồng dân cư khu vực xã Thanh Sơn (Ðịnh Quán) và xã Ðắc Lua (Tân Phú). Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt là động vật hoang dã) để lắp bảng thông tin tuyên truyền về đa dạng sinh học.
 
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 
Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới  
 
Ngày 3-6, tại huyện Thống Nhất, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Thống Nhất tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn 1.500 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham dự.  Ngày Môi trường thế giới năm 2016 có chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Năm nay, Bộ TN-MT cũng lần đầu tiên tổ chức phát động Tháng hành động vì môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6).
 
 
Tùng Văn (thực hiện)

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

14,165

Tổng lượt truy cập

556,021,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây