(CTTĐT-Đồng Nai) - Theo nhiều chuyên gia, phát triển kinh tế đêm đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp tổng thể phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú đến các loại hình dịch vụ, địa điểm kinh doanh ẩm thực, giới thiệu những đặc sản đặc trưng của địa phương; cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi… để phục vụ người dân trong tỉnh, du khách và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại địa phương.

Một quầy ẩm thực đường phố tại chợ đêm Biên Hùng (TP.Biên Hòa)
Một quầy ẩm thực đường phố tại chợ đêm Biên Hùng (TP.Biên Hòa)
Với tốc độ phát triển kinh tế khá năng động, vị trí địa lý gần với TP.HCM và sắp tới khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế ban đêm ở Đồng Nai cũng mới chỉ khai thác ở một vài góc độ nhỏ, cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp, dài hơi.
Khoảng 2 năm trở lại đây, sau một thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, nhiều chương trình hội chợ kết nối cung - cầu đã được triển khai trở lại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều hội chợ quy mô lớn kết hợp nhiều chương trình ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc thu hút được khá đông người tiêu dùng đến tham quan mua sắm vào khung giờ từ 18-21 giờ…
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nai Factory (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Tôi có nhiều dịp công tác, du lịch ở nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và được trải nghiệm đa dạng loại hình ẩm thực, thương mại, âm nhạc, giải trí về đêm tại các quốc gia này. Tôi nhận thấy Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm. Trong đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN nước ngoài hoạt động, nhiều đặc trưng về du lịch, ẩm thực… góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế đêm như các nước đã triển khai. Ngoài ra, các đô thị như TP.Biên Hòa có thể mở thêm nhiều khu ẩm thực, phố đi bộ gắn với các chương trình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách”.
Cùng với đó, để thực sự phát huy những tiềm năng, lợi thế về dịch vụ kinh tế đêm tại địa phương, các dịch vụ, loại hình ẩm thực, giải trí, du lịch cần phát triển đồng bộ, đa dạng đảm bảo an ninh, an toàn. Hơn thế nữa, phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần níu chân khách du lịch, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm du lịch ở địa phương bởi trên thực tế, “hầu bao” của khách du lịch, nhất là du khách quốc tế phần lớn được chi tiêu vào các sản phẩm du lịch về đêm.
Phó trưởng Phòng Quản lý VHTT-DL (Sở VHTT-DL) Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, nhiều địa phương đã triển khai các địa điểm phát triển du lịch về đêm, các khu ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ… Tuy nhiên, để phát triển kinh tế đêm xứng tầm thì cần xây dựng lộ trình phù hợp, đảm bảo các quy định về an toàn, an ninh, quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh…