TTĐT - Sáng 23-8, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 4 địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để bàn phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì cuộc họp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại cuộc họp điểm cầu Đồng Nai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại cuộc họp điểm cầu Đồng Nai
Tại cuộc họp, các địa phương đều mong muốn sớm đầu tư 2 tuyến đường sắt này để thuận tiện cho giao thông kết nối và đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng hóa và hành khách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, về phía tỉnh Đồng Nai rất mong muốn 2 tuyến đường sắt này sớm được đầu tư nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ cũng như kết nối giao thông với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tỉnh thành lân cận.

Điểm cầu Bộ Giao thông vận tải
Điểm cầu Bộ Giao thông vận tải
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Luật Đường sắt không quy định UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia nên tỉnh không làm chủ đầu tư được 2 dự án này. Nếu có cơ sở giao cho tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư tỉnh sẽ cố gắng để thực hiện hai dự án. Đồng Nai ủng hộ phương án Bộ GTVT làm chủ đầu tư 2 dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chuyên môn và đơn vị tư vấn phải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) vào tháng 4-2023, đến tháng 9-2023 phải trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Đối với công tác tư vấn, nếu cần thuê tư vấn nước ngoài để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị thời gian tới đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn của bộ phải phối hợp chặt với các địa phương để xem xét kỹ hướng tuyến cũng như các vị trí nhà ga. Đơn vị tư vấn cũng cần xem xét cả hai phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn PPP (đối tác công tư); nghiên cứu các khổ đường sắt cũng theo 2 phương án khổ 1m như hiện tại và khổ 1,435m và có phương án đề xuất phù hợp.
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 84km và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài 38km, dự kiến đầu tư trước năm 2030.