Biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm

Chủ nhật - 06/03/2022 20:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 5-3, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Tuy vậy, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua với khoảng 50-70 ngàn ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125 ngàn ca. Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi. Số trường hợp tăng nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

img4-06-3-2022-hung.jpg?t=1752456061
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại CDC Đồng Nai

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở Hà Nội, TP.HCM thay thế dần biến thể Delta. Từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 1-1-2022 đến ngày 14-2-2022, cả nước ghi nhận hơn 800 ngàn ca mắc Covid-19. Trong đó có hơn 500 ngàn ca ở cộng đồng. Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại các hoạt động GD-ĐT trực tiếp, nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam tăng sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục tăng áp lực lên hệ thống y tế.

Với ý kiến cho rằng nên xem bệnh Covid-19 là bệnh đặc hữu, Bộ Y tế thông tin, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao. Ở trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số ca tử vong vẫn ở mức cao, cao hơn cả số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc bệnh sốt xuất huyết, sởi (là những bệnh lưu hành có số ca tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam).

Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ nhận định, ở trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”. Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất llowns giữa các địa phương. Số ca tử vong vẫn cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới.

Do đó, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành) và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là bệnh đặc hữu khi thời điểm thích hợp.

Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây