Sức hút từ Sân bay quốc tế Long Thành

Thứ tư - 28/02/2018 01:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Dự án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành đang được Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) và tỉnh Đồng Nai tích cực triển khai các công tác liên quan để kịp khởi công theo đúng kế hoạch. Thời gian qua, dự án quy mô này nhận được sự quan tâm từ một số quốc gia và các tập đoàn hàng đầu về hàng không trên thế giới.​

Trong đó, tập trung nhất là việc đề nghị hợp tác trong việc thiết kế, xây dựng hạ tầng và đặc biệt là quy hoạch dân cư vùng phụ cận theo mô hình Thành phố sân bay (Airport City).

Quốc tế quan tâm “đô thị sân bay”

Mới đây nhất, vào đầu tháng 2-2018, đoàn công tác của Chính phủ Hà Lan đã làm việc với UBND tỉnh và bày tỏ quan tâm đến việc tham gia quy hoạch xây dựng đô thị xung quanh dự án Sân bay Long Thành. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách ngoại thương Hà Lan Marten Van Den Berg, việc quy hoạch vùng phụ cận Sân bay Long Thành cần hướng tới xây dựng theo mô hình thành phố sân bay. Điều này cần phải có giải pháp tích hợp và tính toán với tầm nhìn dài hạn. “Chúng tôi đang tích cực triển khai chương trình các giải pháp hàng không của Hà Lan với Việt Nam (DAV) thuộc chương trình Đối tác thương mại quốc tế giai đoạn 2016 - 2019 mà hai nước đã ký kết. Đây là sáng kiến hợp tác công - tư được Chính phủ Hà Lan bảo trợ và có gần 10 doanh nghiệp hàng không Hà Lan tham gia. Các doanh nghiệp chúng tôi quan tâm và muốn tham gia phát triển tại thị trường hàng không Việt Nam, nhất là về kinh nghiệm quản lý và công nghệ mà Hà Lan rất thành công. Trong đó, có mô hình thành phố sân bay, không chỉ là nơi trung chuyển, vận chuyển hành khách, hàng hóa mà còn là đô thị thu nhỏ, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Marten Van Den Berg cho hay.


 Thị trấn Long Thành hiện hữu sẽ là một trong những thành tố quan trọng trong đô thị sân bay mà Đồng Nai đang mong muốn xây dựng. Trong ảnh: Một góc thị trấn Long Thành về đêm.

Đại diện các doanh nghiệp Hà Lan, ông Kjell Llooster, Chủ tịch Công ty tư vấn cảng hàng không Hà Lan (NACO) cho hay, NACO chuyên tư vấn về phát triển cảng hàng không, thiết kế sân bay, quy hoạch vùng phụ cận…từ đầu đến cuối trong quá trình hình thành một sân bay lớn tại rất nhiều nước. “NACO có trên 65 năm kinh nghiệm và có hơn 600 dự án hợp tác trên toàn thế giới nên sẽ có kinh nghiệm hữu ích trong việc xây dựng Sân bay Long Thành. Hơn nữa chúng tôi nhận thấy Sân bay Long Thành có nét tương đồng với Sân bay quốc tế Schiphol Amsterdam của chúng tôi ”, ông Kjell Llooster thông tin thêm.

Đoàn công tác của Chính phủ Hà Lan mong muốn thông qua Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai để tổ chức những buổi hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, trên cơ sở đó các chuyên gia sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp nhất. Đại diện của DAV cho biết, sẽ hỗ trợ Đồng Nai đưa ra những giải pháp và có tầm nhìn dài hạn trong việc lập quy hoạch quỹ đất cho phát triển sau này, giống như tại Hà Lan sau 100 năm vẫn có quỹ đất để mở rộng Sân bay quốc tế Schiphol Amsterdam.

Trước đó năm 2017, một đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp, các trường đại học của Hàn Quốc cũng đã đến Đồng Nai tìm cơ hội hợp tác trong quy hoạch vùng phụ cận Sân bay Long Thành. Giáo sư Ha Hun Koo, Trường đại học Inha cho hay, Hàn Quốc đã đầu tư 36 tỷ USD vào đặc khu kinh tế tự do Incheon gắn với Sân bay quốc tế Incheon và hiện vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở đặc khu này. “Để xây dựng sân bay quốc tế, việc phát triển dịch vụ là rất quan trọng. Nếu Sân bay quốc tế Long Thành được quy hoạch, phát triển tốt vùng xung quanh thì cả tỉnh Đồng Nai sẽ có động lực mạnh mẽ để “cất cánh”. Những kinh nghiệm từ việc xây dựng Sân bay quốc tế Incheon, Đồng Nai có thể học hỏi để rút ngắn thời gian”, Giáo sư Ha Hun Koo cho hay.

Đồng Nai sẵn sàng học tập kinh nghiệm

Tại các cuộc làm việc với đối tác nước ngoài, lãnh đạo tỉnh cho biết trách nhiệm chính của Đồng Nai trong xây dựng Sân bay Long Thành là tổ chức giải phóng mặt bằng và tái định cư cho hàng vạn người dân. Song song đó, nhiệm vụ rất quan trọng là quy hoạch vùng phụ cận rộng 21.000 ha quanh sân bay. Với kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới, mô hình thành phố sân bay đang được ưu tiên nghiên cứu và Đồng Nai sẵn sàng hoan nghênh những thông tin bổ ích mà các đối tác cung cấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai đang xây dựng phương án phát triển vùng phụ cận Sân bay Long Thành trở thành khu dịch vụ, đô thị, logistics, khu công nghiệp, các khu giải trí, khu công viên chủ đề… Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho việc xây dựng, vận hành sân bay và các ngành nghề dịch vụ liên quan khi hình thành mô hình thành phố sân bay là rất quan trọng. Nhu cầu việc làm từ các dự án này là rất lớn và phải có sự chuẩn bị từ sớm để khi sân bay đi vào hoạt động sẽ có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Những công việc này sẽ được thực hiện tốt hơn nếu hợp tác và nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia tiên tiến. “Tiêu chí của việc quy hoạch vùng phụ cận là phục vụ tốt cho sân bay và cộng hưởng với những lợi thế từ hạ tầng giao thông như đường cao tốc, cảng biển… để phát triển thành một khu vực kinh tế - xã hội làm động lực cho Đồng Nai cũng như các địa phương lân cận. Vấn đề quy hoạch còn phụ thuộc vào vị trị địa lý, bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi nước nhưng với những thành công của các mô hình sân bay lớn, tiên tiến trên thế giới thì Đồng Nai sẵn sàng học hỏi và hợp tác”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan Marten Van Den Berg và đoàn doanh nghiệp của nước này vào ngày 7-2 vừa qua.

Vương Thế

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây