Tuyệt đối không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Thứ bảy - 18/06/2022 15:48
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 6 ngàn ca sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca tử vong là 5, tăng 4 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai khám sức khỏe cho 1 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết vừa bình phục
Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai khám sức khỏe cho 1 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết vừa bình phục

Dấu hiệu nhận biết bệnh trở nặng

TP.Biên Hòa hiện đang dẫn đầu về số ca mắc sốt xuất huyết với hơn 2 ngàn ca. Tiếp đó là H.Tân Phú với gần 1 ngàn ca. H.Cẩm Mỹ là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất với hơn 100 ca.

Đang chăm con tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Phương Nga, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa cho biết, cách đây hơn 1 tuần, 2 con trai của chị bị sốt cao 40 độ C, vào bệnh viện khám, làm xét nghiệm máu được chẩn đoán bị sốt xuất huyết nên phải nhập viện điều trị. Trong đó, cậu con trai 16 tuổi bị nặng hơn, sau vài ngày sốt cao liên tục thì bị ho, chóng mặt và rơi vào trạng thái sốc sốt xuất huyết. Nhờ được chăm sóc, điều trị tận tình nên sau hơn 1 tuần, con trai chị Nga đã bình phục.

ThS-BS Phí Thị Lệ Tân, Khoa Nội Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, từ cuối tháng 4 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện tăng cao. Do số lượng bệnh đông nên số ca bệnh nặng cũng tăng. Số bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết cũng khá nhiều, trong đó có 1 trường hợp phải dùng thuốc cao phân tử. Có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết bị viêm gan nặng phải điều trị trong 2 tuần.

Những dấu hiệu cho thấy bệnh chuyển nặng là: đau bụng, nôn ra máu, đi cầu ra máu, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, xuất huyết nhiều, men gan tăng cao, huyết áp kẹp hoặc huyết áp tụt.

BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cảnh báo, có 2 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có nguy cơ chuyển nặng là trẻ nhũ nhi và trẻ thừa cân, béo phì. Với trẻ nhũ nhi, diễn biến bệnh thường khá phức tạp, khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ chưa nói được nên các biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được. Còn với trẻ thừa cân, béo phì khi bị sốt xuất huyết rất dễ bị sốc sốt xuất huyết, biến chứng. Nhân viên y tế gặp khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với những trẻ có cân nặng bình thường.

Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại bệnh viện
Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại bệnh viện

Sốt cao liên tục khó hạ cần nhập viện ngay

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trước đây, trẻ em là đối tượng thường mắc sốt xuất huyết và bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên thời gian gần đây, tỷ lệ người lớn mắc bệnh và chuyển bệnh nặng có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chung của các ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do bệnh chuyển nặng đột ngột, có khả năng bệnh nhân bị nhiều tuýp virus sốt xuất huyết khác nhau.

BS Lê Quang Trung khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan trước bệnh sốt xuất huyết. Có những trường hợp bị sốt cao, sau vài ngày đầu thì hạ sốt nghĩ rằng đã khỏi bệnh nhưng thực tế không phải, đây có thể là giai đoạn bệnh nhân chuẩn bị đi vào sốc sốt xuất huyết. Bởi vậy, nếu bị sốt cao liên tục trong vài ngày, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và được chỉ định điều trị hợp lý. Không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc truyền dịch, truyền nước khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm, sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều ghi nhận tại Việt Nam. Một người đã từng mắc sốt xuất huyết và khỏi bệnh có thể miễn dịch với tuýp virus đã gây bệnh nhưng không thể miễn nhiễm với 3 tuýp virus gây bệnh còn lại. Vì thế, mỗi người có thể bị mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời. Đặc biệt, những người đã từng mắc Covid-19 có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng hơn.

Phụ huynh có con nhỏ cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của con. Nếu thấy con có các biểu hiện như lừ đừ, mệt mỏi, sốt cao, không chơi, bứt rứt khó chịu, ói nhiều, không ăn uống được, quấy khóc liên tục, đau bụng, nôn ói, chảy máu chân răng, đi cầu ra phân đen, đi tiểu ra máu…cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung nhấn mạnh, mục tiêu của ngành Y tế hiện nay là khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết, không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán, theo dõi, điều trị bệnh sốt xuất huyết, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh, người dân nên mặc quần áo dài tay, ngủ mùng, diệt lăng quăng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, phun thuốc khử khuẩn, phun thuốc diệt muỗi…, tránh để bị muỗi đốt.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây