(CTT-Đồng Nai) - Hệ thống Tiêm chủng vaccine cho người lớn và trẻ em (VNVC) vừa lần đầu tiên triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết (SXH) tại hơn 200 trung tâm ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết tại VNVC Đồng Nai.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết tại VNVC Đồng Nai.
Nhu cầu của người dân
Mới đây, chị Phạm Hồng Thủy, ngụ thành phố Biên Hòa đưa con gái năm nay 16 tuổi đến VNVC Đồng Nai (đường Đoàn Văn Cự, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) để tiêm vaccine phòng bệnh SXH.
Chị Thủy cho biết, chị và con gái từng bị bệnh SXH cách đây 7 năm. Đến giờ khi nhắc lại, chị Thủy vẫn còn e sợ: “Tôi không nghĩ rằng bệnh lại khiến cơ thể mệt mỏi đến vậy, toàn thân tôi đau nhức ê ẩm, đầu tóc rũ rượi, không muốn ăn uống gì. Không riêng gia đình tôi mà nhiều người dân ở khu vực xung quanh cũng đã từng và đang bị bệnh SXH…”.
Sau khi đã hoàn thành mũi tiêm đầu tiên, chị Thủy cảm thấy khá an tâm, Chị chia sẻ: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết một người có thể mắc bệnh SXH 4 lần trong đời, tương đương với 4 chủng virus gây bệnh SXH là Den -1, Den - 2, Den - 3, Den - 4. Do đó, gia đình tôi đi tiêm để mong ngừa được 3 chủng virus SXH còn lại. Tính ra số tiền tiêm vaccine không đáng là bao so với số tiền điều trị nếu chẳng may mắc bệnh và nằm viện”.
Trong khi đó, chị Lê Thị Tươi, ngụ thành phố Biên Hòa cùng chồng và con trai đến VNVC Đồng Nai khá sớm cũng để tiêm vaccine phòng bệnh SXH. Chị Tươi tâm sự, do đã nghe nói nhiều về sự nguy hiểm của bệnh SXH, đã có nhiều người tử vong do bệnh SXH nên khi biết thông tin VNVC có vaccine SXH, nhà chị đi tiêm liền.

Những lưu ý khi tiêm vaccine sốt xuất huyết
Những lưu ý khi tiêm vaccine sốt xuất huyết
Những ai không được tiêm vaccine SXH?
Bác sĩ Lê Thị Hồng, VNVC Đồng Nai cho biết, vaccine SXH của hãng Takeda, Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp. Với công nghệ hiện đại, vaccine SXH có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus gây bệnh SXH, cho hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hơn 90%.
Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH. Điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi có rất nhiều người từng một lần mắc SXH. Tiêm vaccine SXH kịp thời giúp người dân đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng, tránh bị mắc SXH nhiều lần với đặc điểm là lần mắc sau nặng hơn lần mắc trước.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua, VNVC trở thành đơn vị đầu tiên đưa số lượng lớn vaccine SXH về Việt Nam để triển khai tiêm tại hơn 200 trung tâm trên toàn quốc; tại Đồng Nai có 11 trung tâm.
Vaccine SXH được chỉ định tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với các loại vaccine khác. Trước khi tiêm, bác sĩ sẽ khám, tư vấn, xem xét cụ thể lịch sử tiêm chủng, điều trị của khách hàng để chỉ định tiêm phù hợp.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, vaccine SXH (Qdenga) không sử dụng cho người đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vaccine, người đang cho con bú; người bị suy giảm miễn dịch, gồm: đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc liều cao corticosteroid toàn thân, liệu trình dài 2 tuần trở lên.
Những người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo suy giảm chức năng miễn dịch, người gặp phản ứng quá mức với hoạt chất, liều vaccine Qdenga trước đó hoặc với bất kỳ tá dược nào cũng không được tiêm vaccine SXH. Vaccine cũng được khuyến cáo hoãn tiêm khi người dân đang bị sốt nặng cấp tính.
Đối với những người có tình trạng nhiễm trùng nhẹ như cảm lạnh; người cao tuổi có bệnh nền tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng nếu mắc SXH càng cần phải tiêm chủng.
Với câu hỏi có cần tiêm nhắc vaccine SXH hàng năm hay không, bác sĩ Hồng cho hay, hiện nhà sản xuất chưa đề nghị tiêm nhắc đối với vaccine SXH. Phác đồ chỉ 2 mũi cơ bản, Lịch trình tiêm có thể thay đổi phụ thuộc vào tiền sử bệnh và lịch sử tiêm chủng, tình trạng sức khỏe.

Điều dưỡng đối chiếu thông tin của khách hàng và loại vaccine SXH chuẩn bị tiêm
Điều dưỡng đối chiếu thông tin của khách hàng và loại vaccine SXH chuẩn bị tiêm
Tiếp tục chủ động phòng bệnh
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc SXH trên toàn cầu đạt kỷ lục với hơn 6,5 triệu ca mắc và hơn 7,3 ngàn trường hợp tử vong. Việt Nam là một trong những quốc gia có số ca mắc SXH cao với hơn 200 ngàn trường hợp mỗi năm. Riêng tại Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận hơn 4,5 ngàn ca mắc SXH, tăng gần 800 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia cảnh báo, tình hình dịch bệnh SXH có xu hướng diễn biến phức tạp và không theo chu kỳ 4 năm 1 lần như trước đây. Dịch bệnh tăng cao đặc biệt vào cuối năm do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh SXH. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tụt huyết áp, suy tim, suy thận. Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp phải vấn đề nghiêm trọng như suy thai, sinh non và biến chứng khi chuyển dạ. Nhiều trẻ SXH nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn có nguy cơ tử vong rất cao. Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến suy các cơ quan nội tạng, tổn thương gan nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, thay huyết tương rất phức tạp.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, vaccine SXH được đưa vào sử dụng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc và biến chứng nặng do bệnh SXH. Mặc dù vậy, người dân không nên chủ quan mà vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXH như: diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát, diệt muỗi, ngủ mùng, mang quần áo dài tay, đổ bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết…