Tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh bạch hầu

Thứ năm - 11/07/2024 10:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca), Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong) và Bắc Giang (1 ca).
Người lớn tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Người lớn tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Đường lây của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang mầm bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3,5 ngàn trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm, từ năm 2004-2019).

Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

Sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính.

Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.

Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu, trong 2 ngày gần đây, có rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đi tiêm vaccine có thành phần bạch hầu.

Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong sáng ngày 10-7 có khoảng 100 người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Do nhu cầu tiêm vaccine này tăng đột biến nên hiện tại, loại vaccine 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) Bosstrix của Bỉ đã hết hàng. Người dân có thể tiêm vaccine phòng ngừa uốn ván - bạch hầu (của Việt Nam) có giá 32 ngàn đồng/liều.

Ông Phạm Bá Lộc (54 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết, qua xem ti vi và đọc báo, ông được biết tình hình dịch bệnh bạch hầu. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ngay trong sáng 10-7, cả 2 vợ chồng ông đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vaccine. Mỗi liều có giá 32 ngàn đồng cộng 10 ngàn công tiêm.

“Chúng tôi quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên nếu bệnh đã có vaccine ngừa thì nên đi tiêm. Giá mỗi liều vaccine cũng rất thấp, chưa bằng một bát phở mà bảo vệ được sức khỏe cho mình, giúp mình an tâm” - ông Lộc nói.

Ngoài tiêm chủng đầy đủ, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay. Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc chén.

Giữ nhà cửa, trường học, khu công cộng thông thoáng, sạch sẽ. Khử trùng đồ vật, dụng cụ bị dính dịch tiết của người bệnh. Xử lý đúng cách rác thải, nước thải.

Người bệnh bạch hầu cần được cách ly tại bệnh viện hoặc tại nhà theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Những người tiếp xúc gần với người bệnh cần được theo dõi sức khỏe và tiêm phòng dự phòng.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây