(CTT-Đồng Nai) BS CKI.Trần Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế H.Thống Nhất cho biết, sau khi có ca tử vong do chó dại cắn tại TT.Dầu Giây, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng khu vực có ổ dịch chó dại tại H.Thống Nhất
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng khu vực có ổ dịch chó dại tại H.Thống Nhất
Trung tâm y tế đã và đang phối hợp với trạm thú y và các phòng, ban liên quan triển khai dự phòng phơi nhiễm và điều trị dự phòng bệnh dại. Tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại như: Nuôi nhốt chó, mèo, không thả rông chó, mèo ra ngoài đường; tổ chức tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần đi tiêm vaccine phòng bệnh dại sớm. Đồng thời theo dõi diễn biến sức khỏe của con chó, mèo cắn người; xử lý triệt để các ổ dịch nếu có…
Sắp tới đây, Trung tâm sẽ tập huấn và tập huấn lại cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến về tư vấn, xử trí, chỉ định tiêm ngừa vaccine phòng dại.
Trung tâm y tế giao các trạm y tế lập danh sách người bị chó mèo cắn hoặc tiếp xúc để quản lý báo cáo tuyến trên, phối hợp với nhân viên thú y theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch. Tăng cường truyền thông và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh bị chó cắn và cách xử lý vết thương khi bị chó nghi dại cắn.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 7 ổ dịch chó dại. Trong đó có 2 người đã tử vong, nhiều người bị chó dại cắn. Riêng H.Thống Nhất có 1 ổ dịch tại TT.Dầu Giây, 1 người tử vong. Kết quả xét nghiệm những con chó còn lại trong khu vực có ổ dịch cho kết quả âm tính với virus dại.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật như chó, mèo.
Hàng năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 60 ngàn ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong do bệnh dại. Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp bị chó dại cắn, cào và đã có 2 người tử vong do bệnh dại. Theo nhận định, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng bệnh và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Người dân H.Thống Nhất tiêm vaccine phòng dại tại CDC Đồng Nai
Người dân H.Thống Nhất tiêm vaccine phòng dại tại CDC Đồng Nai
Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, kể cả chó, mèo nhà nuôi.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine để làmgiảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.