Sáng suốt lựa chọn cơ sở làm đẹp để tránh tiền mất, tật mang

Thứ bảy - 23/12/2023 11:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, có nhiều trường hợp đi làm đẹp với mong muốn được đẹp hơn nhưng kết quả nhận lại là những biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và dung mạo. Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi làm đẹp cần sáng suốt lựa chọn cơ sở làm đẹp có uy tín, bác sĩ có chuyên môn, sử dụng mỹ phẩm rõ nguồn gốc.
Triển khai kỹ thuật tiêm botox làm đẹp cho khách hàng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Triển khai kỹ thuật tiêm botox làm đẹp cho khách hàng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Nhiều biến chứng nguy hiểm

BS Nguyễn Thị Lan, chuyên khoa Da liễu, Khoa Khám bệnh và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp gặp biến chứng da mặt do làm đẹp không đúng cách hoặc sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi ngoài thị trường.

Có trường hợp tự mua kem trộn ở trên mạng rồi về nhà bôi lên da mặt. Những ngày đầu, thấy da mềm mịn, bật tone trắng sáng, bệnh nhân rất thích. Nhưng càng dùng thì da mặt bắt đầu có những biểu hiện lạ, nổi các mẩn đỏ li ti, nóng rát, đỏ khắp mặt, sau đó sưng phù. Những trường hợp này điều trị khá khó và phải tốn nhiều thời gian, chi phí.

Còn tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, vài tuần gần đây, các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị khắc phục các tổn thương sau khi đi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ bên ngoài. Những tổn thương mà các bệnh nhân hay gặp là bỏng, tăng/mất sắc tố da sau khi trải nghiệm liệu trình thay da sinh học hay bắn laser. Hậu quả gặp nhiều nhất là phù nề, viêm quầng, áp xe, u hạt, thậm chí thay đổi khuôn mặt sau khi tham gia gói cấy trắng nano, tiêm cấy collagen hoặc meso nanno, meso extra… tại các Spa, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ trên địa bàn.

Không riêng gì Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tình trạng bị biến chứng sau làm đẹp khá phổ biến. Mới đây, một nữ bệnh nhân ngụ tỉnh Lâm Đồng đã làm đơn phản ánh đến Sở Y tế TP.HCM vì bị biến chứng ngực sau khi làm đẹp tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn thành phố.

Người phụ nữ đã chi khá mạnh tay khi bỏ ra 200 triệu đồng để nâng ngực và giảm mỡ bụng. Hiệu quả chưa thấy đâu, ít ngày sau nâng ngực, bệnh nhân bị sưng đau ngực kéo dài, phản ánh với thẩm mỹ viện nơi đã làm đẹp thì không được phản hồi. Qua thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị này được kết luận bị áp xe vú, viêm vú 2 bên, nang 2 bên vú, phải điều trị dài ngày.

Cơ quan chức năng sau đó đã tiến hành kiểm tra thẩm mỹ viện này và phát hiện cơ sở chưa được Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lĩnh vực thẩm mỹ theo quy định của pháp luật. Cơ sở đã mắc các lỗi như sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người trái phép; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bị xử phạt vi phạm hành chính.  Kỹ thuật viên chăm sóc da tại thẩm mỹ viện cũng bị xử phạt vì khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Khách hàng làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai
Khách hàng làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai

Cẩn trọng khi đi làm đẹp

Thông tin từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép hoạt động và hơn 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở làm đẹp vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Bà P.M.P., chủ Viện thẩm mỹ K. (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) từng chia sẻ, nếu bị xử phạt số tiền lớn, bà P. sẽ trả lại mặt bằng cho chủ nhà và đi thuê mặt bằng ở địa điểm khác, lấy tên khác để tiếp tục hoạt động. “Chiêu thức” này bà P. học được từ những đồng nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ. Và thực tế là sau khi bị Thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt, cơ sở này đã đóng cửa.

Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra Viện thẩm mỹ K. và phát hiện một số lỗi vi phạm. Theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của Viện thẩm mỹ K., cơ sở thực hiện dịch vụ spa, phun xăm thẩm mỹ nhưng thực tế đã triển khai cả các dịch vụ thủ thuật xâm lấn như: cắt mi mắt, lấy bọng mỡ mi dưới. Người trực tiếp làm thủ thuật trên không có chứng chỉ hành nghề.

BS CKI Bùi Thị Thu Thảo, Phó Trưởng khoa khám bệnh, Phụ trách đơn vị Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho hay, thực tế hiện nay cứ ra ngõ là bắt gặp cơ sở làm đẹp với nhiều tên gọi rất “kêu”. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng được cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn bất chấp sự an toàn của khách hàng, vì lợi nhuận mà thực hiện các kỹ thuật chỉ những người có chứng chỉ hành nghề, có chuyên môn mới được phép làm.

Chẳng hạn như kỹ thuật tiêm filler, mặc dù có tác dụng làm đầy nhưng không phải cứ vùng nào hõm là đổ chất làm đầy vào cho nó như ý. Thực tế có vùng làm đầy được có vùng không, lượng chất làm đầy cũng phải cân nhắc kỹ để khi sử dụng vừa đủ chứ không dùng quá. Để tiêm filler an toàn, người thực hiện phải có chuyên môn để biết tiêm vào đâu là an toàn. Tuyệt đối không được tiêm vào mạch máu, không tiêm vào vùng gây chèn ép dây thần kinh. Nếu người tiêm thực hiện sai sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường cho khách hàng.

BS Thảo nhấn mạnh, làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, nhất là vào những dịp lễ, tết. Nhưng làm đẹp nên đi kèm với sự hiểu biết, người dân phải đặc biệt cẩn thận khi đưa bất cứ sản phẩm nào vào cơ thể của mình, đặc biệt là đường tiêm, đường ăn uống. Khi có ý định làm đẹp, người dân cần tìm hiểu kỹ cơ sở mà mình dự định đến làm đẹp. Đồng thời cân nhắc phương pháp làm đẹp sao cho ít rủi ro nhất, không nên quá thần thánh một phương pháp làm đẹp nào như quảng cáo.
Khách hàng lưu ý phải sử dụng mỹ phẩm, thuốc rõ nguồn gốc khi đưa vào cơ thể để đảm bảo an toàn
Khách hàng lưu ý phải sử dụng mỹ phẩm, thuốc rõ nguồn gốc khi đưa vào cơ thể để đảm bảo an toàn

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây