Phòng ngừa bệnh tật khúc xạ cho trẻ nhỏ

Thứ ba - 08/10/2024 10:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Sau đại dịch Covid-19, số trẻ em bị tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị) ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của trẻ.
Nhân viên y tế khám mắt cho học sinh tại một trường học trong tỉnh.
Nhân viên y tế khám mắt cho học sinh tại một trường học trong tỉnh.

Những dấu hiệu của bệnh

Cách đây nửa tháng, trong một lần đi khám mắt cho mình ở một phòng khám chuyên khoa mắt, anh Lưu Văn Hải, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa đưa con gái nhỏ năm nay 6 tuổi đi cùng. Sau khi anh Hải được kiểm tra mắt xong, anh hỏi con gái những chữ cái trên bảng đo mắt thì thấy con gái nheo mắt, nói chỉ đọc được dòng chữ to ở hàng đầu tiên. Anh Hải sợ con quên mặt chữ nên động viên con cố gắng đọc nhưng bé gái nói nhìn mờ không thấy rõ.

Anh Hải nhờ bác sĩ đo mắt cho con gái thì phát hiện bé vừa bị cận, vừa bị loạn, mắt trái 1,5 độ, mắt phải 1,75 độ. Bác sĩ tư vấn anh Hải nên cắt kính cho bé để điều tiết mắt, tránh lên độ. Khi được đeo kính đúng độ, bé gái nhìn rõ chữ, đọc vanh vách.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Ngọc, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cứ định kỳ 6 tháng lại đưa 2 con gái sinh đôi đi khám mắt một lần ở bệnh viện hoặc phòng khám tư. Chị Ngọc cho biết, sau dịch Covid-19, cả 2 con của chị đều kêu đau mắt, mờ mắt, mỏi mắt. Năm trước, cả nhà chị đều bị đau mắt đỏ, mắt bị ngứa nên các con chị dụi liên tục, ảnh hưởng ít nhiều đến giác mạc.

Nhiều giáo viên đang giảng dạy tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Biên Hòa cho biết, số học sinh bị cận thị, loạn thị ngày càng tăng theo từng năm học. Càng lên lớp lớn, càng có nhiều học sinh phải đeo kính cận, có những em đeo kính rất dày.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có gần 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó hơn 70% trường hợp là cận thị. Tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao từ 20 - 40% ở thành thị và 10 - 20% ở nông thôn.

Tổ chức Y tế thế giới dự báo tỷ lệ cận thị của trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng, rơi vào khoảng 80-90% vào năm 2050.
Bác sĩ khám mắt cho một trẻ bị cận thị
Bác sĩ khám mắt cho một trẻ bị cận thị

Tăng cường hoạt động ngoài trời, ngồi học đúng tư thế

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Nga, Phó trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, biểu hiện rõ nhất khi trẻ mắc các tật khúc xạ là mắt nhìn mờ, phải đưa sách vở đến gần mắt khi đọc hoặc viết, thường xuyên nheo mắt, nhức đầu, ngồi gần màn hình ti vi mỗi khi xem.

Nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ có liên quan đến các yếu tố di truyền. Gia đình nào có cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ bị tật khúc xạ thì con cũng có nguy cơ bị tật khúc xạ. Hoặc trẻ bị sinh non nhẹ ký, bị chấn thương liên quan đến mắt. Đặc biệt, ngày nay trẻ xem thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính bảng nhiều hơn trước rất nhiều; ngồi học sai tư thế, đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc không gian sinh hoạt, học tập thiếu ánh sáng; thường xuyên học tập, sinh hoạt trong nhà, trong không gian kín mà ít vận động, vui chơi ngoài trời; chế độ dinh dưỡng thiếu các chất cần thiết như vitamin A, omega 3, vitamin C, canxi cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ bị cận thị, loạn thị, viễn thị ngày càng tăng.

Theo bác sĩ Nga, khi mắc các tật khúc xạ nếu không được đeo kính trẻ nhìn rất mờ, ảnh hưởng đến học hành, sinh hoạt hằng ngày. Trường hợp nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra các biến chứng nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc…

Để nhận biết trẻ có bị tật khúc xạ hay không, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu như: trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng, trẻ hay kêu đau đầu do việc điều tiết mắt bị rối loạn, nhức mắt, chảy nước mắt. Khi trẻ có các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám, điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nga khuyến cáo, để hạn chế trẻ mắc tật khúc xạ và bệnh tiến triển nhanh, phụ huynh cần chú ý cho trẻ ngồi học đúng tư thế, bàn ghế phải đúng kích thước, ngồi thẳng lưng, tập vở không sát mắt, ánh sáng đầy đủ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, tránh tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Nếu trẻ tiếp xúc với ti vi, máy tính thì sau 30 - 60 phút cần đứng dậy thư giãn để cho mắt nghỉ ngơi.

Song song đó, các nhà trường cần có bàn ghế, ánh sáng đúng tiêu chuẩn. Giáo viên nên thường xuyên chú ý, nhắc nhở học sinh không cúi sát đầu khi đọc, viết, cần ngồi thẳng lưng, nếu có biểu hiện nhìn mờ cần nói cho giáo viên để giáo viên báo với phụ huynh đưa trẻ đi khám.

Hiện có 3 phương pháp chính để hạn chế tiến triển của tật khúc xạ. Đó là đeo kính gọng (đeo thường xuyên, trừ lúc đi ngủ, đi tắm); sử dụng kính áp tròng (kính đeo trong mắt) và phẫu thuật. Trong đó, đeo kính gọng là phương pháp thuận tiện nhất; đeo kính áp tròng có bất tiện như thao tác đeo, tháo lắp, ngâm rửa kính áp tròng phức tạp với trẻ nhỏ, dễ gây trầy xước giác mạc, viêm, nhiễm trùng nếu thao tác không cẩn thận.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây