(CTT-Đồng Nai) - Phòng Công tác xã hội - Quan hệ công chúng (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) vừa tổ chức buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho hơn 30 thân nhân của bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện với chủ đề “Đái tháo đường ở trẻ em”.

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tiểu đường nếu có
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tiểu đường nếu có
BS Nguyễn Quỳnh Trang, Khoa Huyết học - Thần kinh cho biết, bệnh tiểu đường ở trẻ xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ Insulin để điều hòa Glucose. Insulin là loại hormone cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng giúp cho cơ thể vận động.
Giống như ở người lớn, tiểu đường ở trẻ em cũng tồn tại tiểu đường dạng 1 (type 1) và tiểu đường dạng 2 (type 2). Type 1 là do rối loạn tổng hợp Insulin, rối loạn sản xuất Insulin, có tính chất bẩm sinh. Type 2 thường gắn liền với tình trạng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng gây nên.
Khi bệnh xảy ra sẽ làm tổn thương đến hầu hết các cơ quan quan trọng trong cơ thể trẻ, bao gồm: tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Việc điều trị tiểu đường cho trẻ cũng rất phức tạp vì ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân còn phải tuân theo chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên đối với trẻ đang độ tuổi phát triển, việc tạo lập một ý thức về bệnh không dễ, huống chi bắt trẻ kiêng khem quá mức.
Để phòng bệnh tiểu đường cho trẻ em, theo BS Trang, cách tốt nhất là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ. Một chế độ ăn lành mạnh cần hạn chế các đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô như chuối, mít…

Thức ăn nhanh được nhiều trẻ ưa thích nhưng ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe
Thức ăn nhanh được nhiều trẻ ưa thích nhưng ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe
Ngoài ra, cần phải hạn chế ăn mỡ động vật, các đồ ăn chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, hotdog…
Ngoài điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, phụ huynh cần phải kiểm tra sức khỏe tổng quát cho trẻ định kỳ 6 tháng một lần. Cần tập cho trẻ có thói quen vận động hoặc hướng trẻ vào một môn thể thao mà trẻ yêu thích. Việc trẻ vận động thường xuyên sẽ làm tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, giúp tăng cường tiêu thụ Insulin trong các tế bào và giúp di chuyển đường trong máu ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
BS Trang còn lưu ý các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi thấy trẻ có các biểu hiện sau:
• Tiểu nhiều và uống nước nhiều
• Ăn nhiều nhưng vẫn thấy đói và giảm cân
• Sút cân trong thời gian ngắn
• Thay đổi chế độ, thói quen ăn uống
Các bác sĩ nhấn mạnh, bệnh tiểu đường không gây tử vong tức thì, tuy nhiên nó là kẻ thù số một của chất lượng dân số. Việc điều trị bệnh rất phức tạp, gây đau đớn (do phải tiêm Insulin) và rất tốn kém. Vì vậy, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động cho trẻ là những điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm ngay từ bây giờ khi trẻ chưa có biểu hiện bệnh lý.