Những người lao vào tâm dịch, vì sức khỏe cộng đồng

Thứ tư - 26/02/2025 15:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Nếu như bác sĩ (BS) điều trị tập trung vào khám, chẩn đoán, điều trị cho từng cá thể thì BS dự phòng lại có nhiệm vụ điều tra ca bệnh, chẩn đoán căn nguyên, xác định yếu tố lây nhiễm, tham mưu, đề ra phương án, chiến lược, kế hoạch để phòng ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng.
BS Trịnh Đức Duy (trái) xuống địa bàn điều tra dịch tễ khi có ổ dịch xảy ra
BS Trịnh Đức Duy (trái) xuống địa bàn điều tra dịch tễ khi có ổ dịch xảy ra

Những “người hùng” thầm lặng

Với vai trò phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, các BS điều dưỡng, nhân viên khối dự phòng được xem như những người hùng thầm lặng, góp phần quan trọng vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Không kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, hễ trên địa bàn xuất hiện ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các ổ dịch phức tạp, họ sẵn sàng lên đường để điều tra dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

BS Trịnh Đức Duy, khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, kể từ sau đại dịch Covid-19, nhân viên y tế được người dân biết đến nhiều hơn, được các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn. Đó là nguồn động viên, cũng là động lực để các BS dự phòng như anh nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhớ lại thời điểm tỉnh Đồng Nai ghi nhận những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, BS Duy nói, khi đó dịch bệnh còn quá mới, chưa có vaccine phòng bệnh nên rất dễ lây. Để đảm bảo an toàn, anh và đồng nghiệp tìm hiểu cơ chế lây bệnh, tuân thủ đúng quy trình điều tra dịch tễ, sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ. Sau khi nắm chắc thông tin dịch tễ của bệnh nhân, BS Duy làm báo cáo cấp trên, cùng tham mưu, đưa ra những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các loại dịch bệnh khác như đậu mùa khỉ, sởi, dại tiếp tục là mối lo đối với sức khỏe cộng đồng. Trong đó, một số bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam quan hệ tình dục đồng giới, có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp nên quá trình điều tra dịch tễ của các BS gặp không ít khó khăn.

“Có những khi đang nửa đêm, chúng tôi nhận được thông tin, tức tốc chạy xe cả trăm km đến địa chỉ nhà bệnh nhân chỉ để xác minh chính xác bệnh nhân có đang sống tại địa phương hay không. Cũng có khi đi cả ngày nhưng không thu được kết quả gì đáng kể vì nhiều người bệnh chống đối, không hợp tác hoặc khai báo thông tin sai lệch. Để tìm ra căn nguyên của vấn đề, nguồn gốc của ổ dịch, đã không ít ngày chúng tôi làm việc xuyên đêm” - BS Duy nói.

BS Trịnh Đức Duy chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Qua điều tra dịch tễ, các BS dự phòng nhận thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều gia đình chưa chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi. Đến khi có một con chó bị bệnh, thả rông không rọ mõm sẽ làm dịch bệnh lây lan âm thầm trong cộng đồng.

Những trường hợp tử vong do bệnh dại là do chủ quan, không đi tiêm vaccine sau khi bị chó cắn. 3 ca tử vong do sởi trong năm 2024 cũng có điểm chung là không tiêm vaccine phòng sởi.
 
“Từ thực tế công tác, chúng tôi tham mưu với ban giám đốc đơn vị tham mưu lãnh đạo Sở Y tế ban hành các kế hoạch, chương trình, chiến dịch tiêm chủng, phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn. Từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng” - BS Duy nói.
Nhân viên y tế làm “mồi” để bắt muỗi trong rừng Mã Đà.
Nhân viên y tế làm “mồi” để bắt muỗi trong rừng Mã Đà.

Đẩy lùi bệnh sốt rét

Trong khi đó, điều dưỡng Nguyễn Đức Linh, khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã có thâm niên hơn 30 năm lấy thân mình làm “mồi câu” muỗi. Mục đích “câu muỗi” để có cơ sở phân tích, đánh giá, phục vụ công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn.

Ông Linh cho hay, nhiều năm trước, các xã vùng sâu, vùng xa, rừng núi của tỉnh Đồng Nai như Thanh Sơn, Nam Cát Tiên, Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý là điểm nóng của dịch bệnh sốt rét. Do vậy, ông và nhiều đồng nghiệp khác thường xuyên đến những nơi này, mỗi người ngồi một góc, xắn quần lên để nhử muỗi Anopheles.

Với “kinh nghiệm đầy mình”, sau khi xác định chính xác muỗi Anopheles đậu lên chân, điều dưỡng Linh nhét một ít bông gòn vào ống tuýp thủy tinh, sau đó đặt lên vị trí muỗi đang đốt ở chân để muỗi chui vào ống. Kế đến, lấy một ít bông gòn vo viên nhỏ và nút lại ở giữa tuýp rồi tiếp tục bắt con khác. Đến khi kết thúc thì đóng nắp tuýp thủy tinh để muỗi không bay ra, trên nắp có những lỗ nhỏ để đảm bảo cho muỗi còn sống đến khi vào phòng thí nghiệm.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có vai trò của những “mồi người” như điều dưỡng Linh, cuối năm 2023, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã ban hành quyết định công nhận Đồng Nai đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh.

Khi được hỏi thường xuyên lao vào tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, có những bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì có sợ hay không, BS Trịnh Đức Duy bộc bạch: “Ai chẳng sợ chết, nhưng ai cũng sợ thì ai là người làm. Khi đã gắn bó với nghề, chúng tôi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết”.

Đánh giá cao nỗ lực, kết quả của nhân viên y tế khối dự phòng trong tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung nhấn mạnh: “Họ đã không ngại khó, không sợ khổ, sẵn sàng vượt nắng, thắng mưa để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”.
BS Duy (trái) điều tra dịch tễ về ổ dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh
BS Duy (trái) điều tra dịch tễ về ổ dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây