Nhận biết và điều trị bệnh suy tim

Thứ ba - 20/08/2024 14:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho từ 45-60 bệnh nhân, trong đó hơn ½ bệnh nhân mắc bệnh suy tim. Các bệnh nhân nhập viện thường do bị suy tim cấp lần đầu hoặc tái phát. Bệnh suy tim được xem là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch chưa được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Bệnh phải điều trị cả đời.
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân bị suy tim nặng.
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân bị suy tim nặng.

Những mức độ của bệnh suy tim

Ông Đ.V.H., 61 tuổi, ngụ huyện Tân Phú mới phát hiện bị bệnh suy tim từ tháng 12-2023. Từ đó đến nay, ông liên tục phải nhập viện để cấp cứu, điều trị.

Bà N.T.V., vợ của ông H. cho biết, ban đầu ông bị ho nên đến một cơ sở y tế gần nhà để thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, cho thuốc về nhà uống. Vài ngày uống thuốc tây không thấy bớt, gia đình cho bệnh nhân uống thuốc nam vì nghĩ rằng uống thuốc nam cho mát!. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó bị phù nước khắp người, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cấp cứu thì được chẩn đoán mắc bệnh suy tim.

Khoảng 2 tuần sau đó, ông H. thấy người mệt mỏi, được đưa vào Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu. Các bác sĩ tiếp tục chẩn đoán ông bị suy tim. Đáng lưu ý, 1 ngày sau nhập viện, ông H. bị nhồi máu não dẫn đến rối loạn ngôn ngữ, cơ thể kiệt quệ.
Bà N.T.V. cho hay, bác sĩ nói tim của chồng bà đã bị suy nhiều, chỉ còn khoảng 20%, cần phải phẫu thuật để điều trị nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với việc lo ngại quá trình phẫu thuật sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân nên gia đình bà xin bác sĩ tiếp tục điều trị bằng thuốc.

“Cứ lúc nào ông ấy thấy người mệt mỏi, khó thở, gia đình lại thuê xe đưa vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị. Tình trạng bệnh nặng thì được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Từ ngày phát hiện bị bệnh, chồng tôi rất mệt mỏi, không làm được gì, hầu như chỉ nằm một chỗ” - bà V. nói.

BS CKII Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, biểu hiện thường gặp của bệnh suy tim là khó thở khi nằm xuống, khó thở đột ngột vào ban đêm, mệt mỏi, chán ăn…

Có 4 mức độ của bệnh suy tim, từ nhẹ đến nặng. Trong đó, suy tim độ 3 là khi bệnh nhân thấy khó thở khi đi quãng đường ngắn hay đi bộ lên cầu thang, quét nhà, tắm rửa… Suy tim độ 4 khiến bệnh nhân lúc nào cũng khó thở, không thể tự sinh hoạt bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến suy tim là do tình trạng thiếu máu cơ tim, hẹp mạch máu dẫn đến tim không được tưới máu đầy đủ, lâu ngày dẫn đến suy tim.

Các bệnh lý thường dẫn đến suy tim gồm: người bị bệnh mạch vành mạn tính, cấp tính như nhồi máu cơ tim; bệnh cơ tim; hẹp, hở van tim, bệnh tim bẩm sinh không được can thiệp phẫu thuật đúng thời điểm; bệnh tăng huyết áp, các dạng rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim chậm kéo dài.

Ngoài ra, các bệnh khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, cường giáp, suy thận, xơ gan cũng đều có thể gây suy tim.

Suy tim có thể xảy ra mọi lứa tuổi. Ở trẻ em là do bệnh tim bẩm sinh thường không được can thiệp, phẫu thuật kịp thời. Ở người lớn, tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh suy tim, đặc biệt ở người trên 80 tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh suy tim, người dân cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, tăng cường luyện tập thể thao, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm các bệnh lý bất thường, trong đó có bệnh suy tim. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh nếu có.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị suy tim đang phải thở oxy
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị suy tim đang phải thở oxy

Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị

Theo BS Lâm Hồng Đức, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh suy tim nói riêng là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời. Bệnh suy tim diễn tiến không ổn định trong suốt cuộc đời người bệnh mà sẽ có thể có những đợt thay đổi như khi bệnh nhân bị huyết áp cao hoặc mắc các bệnh lý nội khoa khác như viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Lúc này, các chức năng gan, thận của bệnh nhân sẽ thay đổi theo.

Do vậy, bệnh nhân suy tim cần phải điều chỉnh huyết áp, đường huyết ổn định. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn và chỉ định tái khám cũng như dùng thuốc của bác sĩ. Ở mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số về huyết áp, mạch, các chỉ số xét nghiệm như đường huyết, chức năng gan, chức năng thận… để có điều chỉnh liều lượng và loại thuốc phù hợp.

Về chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh suy tim, bác sĩ khuyến cáo cần giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 3g muối. Tăng cường ăn rau xanh, ngũ cốc, trái cây tươi, tránh những loại thực phẩm ngâm muối như: dưa, cà, cá khô, măng chua; không nên uống quá nhiều nước lọc, chỉ nên uống khoảng 1,2 lít nước/ngày; không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, trà, cà phê, thuốc lá.

Người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng phù hợp khả năng của mình. Tránh khiêng vác nặng, lên dốc. Uống thuốc đều đặn, đúng khung giờ quy định, tự đo mạch, huyết áp, cân nặng mỗi ngày. Nếu khó thở liên tục, nhịp tim nhanh, tăng cân nhanh 2kg/3 ngày, bệnh nhân phải tái khám ngay.

“Mục đích trong điều trị bệnh suy tim hiện nay là giảm tình trạng bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, giảm tỷ lệ tử vong. Do vậy, ngoài điều trị nội khoa, cần phối hợp với các chuyên ngành về can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim để điều trị các nguyên nhân, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh” - bác sĩ Hồng Đức chia sẻ.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây