Nhận biết và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

Thứ ba - 31/10/2023 14:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến và ngày càng được nhiều người quan tâm. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1/3 dân số ở các mức độ khác nhau. Thường thì nữ giới có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới.
Biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân


Càng lớn tuổi bệnh càng có nguy cơ xảy ra hơn.

Vừa sinh con thứ 2 được 3 tháng, chị L.T.H., 30 tuổi, ngụ P.Tân Phong phát hiện mình bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nhiều gân xanh nổi lên khiến chị thường xuyên bị đau, tê, chuột rút rất đau.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho hay, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân diễn tiến âm thầm, có thể gây các biến chứng huyết khối tĩnh mạch nông và sâu gây đau, phù nề hai chi dưới. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây chảy máu, loét chân không lành…, ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh này là do van tĩnh mạch bị suy làm mất chức năng khiến cho dòng máu bị trào ngược và ứ đọng ở chân gây ra các triệu chứng đau, tê, chuột rút. Triệu chứng biểu hiện khi bệnh nhân ngồi bất động lâu và nặng hơn vào cuối ngày.

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua. Người bệnh có cảm giác nặng chân, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… Người bệnh cũng có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện (spider vein) hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da. Các biểu hiện trên có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, các tĩnh mạch giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Vào giai đoạn tiến triển, chân người bệnh bắt đầu có biểu hiện phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng máu bầm trên da…

Khi giãn tĩnh mạch bước vào giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng. Kết hợp với tình trạng loét do thiểu dưỡng có thể tạo nên những ổ loét, nhiễm trùng…

Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định mức độ của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Từ điều trị không dùng thuốc, loại bỏ các yếu tố nguy cơ thay đổi được, luyện tập thể dục, đeo vớ áp lực đến cách sử dụng thuốc trợ tĩnh mạch. Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn hoặc đã điều trị các biện pháp mà chưa đạt được hiệu quả điều trị sẽ cân nhắc để loại bỏ vùng tĩnh mạch bị bệnh bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh
Bệnh suy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây