Nguồn máu hiến cứu sống nhiều bệnh nhân bị tai nạn, bệnh nặng

Thứ sáu - 20/10/2023 20:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Các bác sĩ chia sẻ, trong quá trình cấp cứu, điều trị, có nhiều bệnh nhân phải truyền rất nhiều máu. Phải kể đến như những bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, chấn thương nặng, mất nhiều máu…
Kiểm tra sức khỏe của tình nguyện viên trước khi lấy máu hiến
Kiểm tra sức khỏe của tình nguyện viên trước khi lấy máu hiến

BS CKI Kiều Minh Sơn, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, quá trình công tác tại khoa, anh đã tham gia cấp cứu, hỗ trợ phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị thủng tim, phổi, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong cao.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân, trước khi được truyền máu, bệnh nhân sẽ được lấy máu để xét nghiệm khẩn để biết nhóm máu và các thông tin cần thiết. Bác sĩ Khoa Cấp cứu sẽ liên hệ với Khoa Huyết học - truyền máu để chuẩn bị số lượng máu, chuyển vào phòng phẫu thuật để truyền cho bệnh nhân.

Vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu thoát khỏi “cửa tử”, anh Nguyễn Văn Hoài, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa chia sẻ “vừa qua, tôi bị thương rất nặng, bị dao đâm thủng tim, phổi, tưởng chừng không qua khỏi. Sau này nghe bác sĩ nói, tôi bị mất 2,5 lít máu, chiếm hơn một nửa lượng máu trong cơ thể. Để cứu tôi, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã truyền cho tôi tổng cộng 8 đơn vị máu loại 350ml, các chế phẩm của máu. Nhờ vậy mà tôi thoát chết, dần bình phục và trở về cuộc sống đời thường. Tôi rất biết ơn các bác sĩ, bệnh viện và những người hiến máu tình nguyện”.

BS CKII.Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, bệnh viện từng cứu sống nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn thương tích cực nặng. Trong đó có những trường hợp bị dao đâm vào tim, mất gần hết lượng máu trong cơ thể, vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Điển hình như bệnh nhân N.C.L., 36 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc; bệnh nhân N.T.H., 39 tuổi, ngụ P.Xuân Trung, TP.Long Khánh…

Từng trải qua thời điểm tủ máu dự trữ chỉ còn vài bịch máu trong khi có nhiều bệnh nhân cần được truyền máu gấp, BS Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tâm sự, đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với khoa và với bệnh viện, bệnh nhân.

Cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai tích cực tham gia hiến máu tình nguyện
Cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai tích cực tham gia hiến máu tình nguyện

Theo BS Nhất, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nơi phong tỏa để cách ly, phòng dịch khiến công tác tiếp nhận máu hiến của tình nguyện viên không thể diễn ra. Do vậy, Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy không có máu để cấp phát cho các bệnh viện. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn máu dự trữ nghiêm trọng.

“Trung bình mỗi ngày, bệnh viện sử dụng từ 30-40 đơn vị máu để phục vụ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Để có đủ số máy này, bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tiếp nhận máu hiến ngay tại bệnh viện. Đồng thời huy động nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và người dân trên địa bàn đủ điều kiện tham gia hiến máu. Sau đó, chuyển số máu này lên Bệnh viện Chợ Rẫy để sản xuất, tách thành phần máu và nhận đơn vị máu hoàn chỉnh về để cấp cứu cho bệnh nhân”- BS Nhất nhớ lại.

Đến nay, khi dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, hoạt động tiếp nhận máu hiến được tổ chức thường xuyên, tủ máu dự trữ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã đầy trở lại.

Bịch máu do tình nguyện viên hiến tại một buổi tiếp nhận máu tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy
Bịch máu do tình nguyện viên hiến tại một buổi tiếp nhận máu tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây