(CTT-Đồng Nai) - Sàng lọc sơ sinh là một trong những phương pháp nhằm phát hiện bệnh trước khi có biểu hiện bệnh để điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ. Đây cũng là một trong những việc làm nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

Nhân viên y tế lấy máu gót chân để sàng lọc cho trẻ sơ sinh
Nhân viên y tế lấy máu gót chân để sàng lọc cho trẻ sơ sinh
BS CKI.Trần Xuân Lam, Phụ trách Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, phương pháp lấy máu gót chân để sàng lọc cho trẻ không tốn nhiều chi phí mà mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, thời gian thực hiện lấy máu gót chân cho trẻ trong vòng 24-72 giờ, tốt nhất là 48-72 giờ sau sinh hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh. Đối với trường hợp sinh non, thiếu cân, trẻ cần được đưa đi lấy máu gót chân trước ngày thứ 20 sau sinh. Những trẻ phải truyền máu sau sinh thì lấy sau thời gian 3 tháng. Máu lấy ra sẽ được thấm lên giấy thấm khô chuyên biệt và mang đi xét nghiệm.
Việc lấy máu gót chân sẽ giúp bác sĩ phát hiện và điều trị sớm một số bệnh lý như: thiếu men G6PD gây bệnh vàng da, nếu kéo dài sẽ gây các nguy cơ về não, có nguy cơ tử vong cao hoặc các biến chứng về thần kinh, chậm phát triển; tăng tuyến thượng thận bẩm sinh (khi trẻ có vấn đề về bệnh này thì có thể khiến cho bộ phận sinh dục của bé gái phát triển theo hướng nam tính); suy giáp bẩm sinh (tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh sẽ khiến trẻ trở nên đần độn, bị ảnh hưởng cả trí tuệ và chiều cao).

Một lớp học tiền sản bổ sung kiến thức cho các bà bầu trước khi sinh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Một lớp học tiền sản bổ sung kiến thức cho các bà bầu trước khi sinh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai