Kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách về thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

Thứ tư - 07/12/2022 14:13
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở y tế trong tỉnh gặp khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là do vướng mắc bởi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Lãnh đạo Sở Y tế họp với các cơ sở y tế trong tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT
Lãnh đạo Sở Y tế họp với các cơ sở y tế trong tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP gây khó cho các bệnh viện

BS CKII Lê Phương Trâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho rằng, vướng mắc trong vấn đề thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiện nay là do cơ chế chứ không phải do BHXH Đồng Nai không thanh toán tiền cho các đơn vị.
Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vượt dự toán 51 tỷ đồng, đã làm giải trình, họp thống nhất với Sở Y tế và BHXH Đồng Nai đề nghị thanh toán một phần cho bệnh viện. BHXH Đồng Nai cũng đã gửi văn bản đề nghị ra BHXH Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Đến năm 2019, năm 2020, thực hiện theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bị vượt tổng mức thanh toán 163 tỷ đồng. Sang năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số vượt tổng mức thanh toán còn kinh khủng hơn dù số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị giảm. Nguyên nhân bởi do giãn cách xã hội hoặc lo ngại môi trường bệnh viện, nhiều bệnh nhân không đến bệnh viện khám, điều trị khi mới có dấu hiệu bệnh, đến khi bệnh trở nặng, không thể chịu được nữa, bệnh nhân mới vào viện để điều trị. Lúc này, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân rất lớn.
 
Bên cạnh đó, mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân nhưng những nơi này hầu hết chỉ khám, điều trị những bệnh nhẹ, nằm viện ít ngày. Những bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chi phí điều trị cao vì phải thực hiện nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao.

Theo BS Trâm, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định, nếu chi phí đề nghị thanh toán lớn hơn tổng mức thanh toán thì cơ sở khám, chữa bệnh bị vượt tổng mức thanh toán, năm sau vượt nhiều hơn năm trước dẫn đến cơ quan BHXH sẽ không đồng ý thanh toán phần chi phí vượt đó.
Theo Điều 23 của Luật BHYT, cơ quan BHXH sẽ tạm ứng 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, BHXH không tạm ứng đủ 80% chi phí khám chữa bệnh theo báo cáo quyết toán của quý trước do cơ quan BHXH căn cứ vào chi phí vượt dự toán hoặc vượt tổng mức thanh toán của các năm trước, sau đó trừ vào số tiền tạm ứng trong năm tiếp theo. Điều này khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
 
“Bệnh viện hiện không có đủ kinh phí để trả cho các nhà cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Một số đơn vị đã cắt hàng. Bệnh viện phải đối phó bằng cách khi nào BHXH trả tiền tạm ứng thì sẽ ưu tiên những mặt hàng cấp thiết trước, hoặc những công ty nào cắt hàng thì trả cho họ trước. Hiện tại, bệnh viện nợ các công ty rất nhiều tiền. Chúng tôi kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, thay đổi cách tính tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT để gỡ rối cho bệnh viện” - BS Trâm đề xuất.

Người dân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Người dân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Kiến nghị phân bổ lại thẻ BHYT

Cũng đang “đau đầu” vì vấn đề thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và thiếu tiền thuốc, vật tư, hóa chất là Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Bà Nguyễn Thị Mai, Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, năm 2017, bệnh viện được quyết toán 337 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đến năm 2018, bệnh viện được giao dự toán chỉ 302 tỷ nhưng được thanh toán chỉ 298 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, bệnh viện đã vượt dự toán gần 60 tỷ đồng và chưa được thanh toán dẫn đến nợ tiền các nhà cung cấp. Nếu không khẩn trương sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP​, các bệnh viện công lập sẽ rất mệt mỏi vì vấn đề tài chính.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế trong tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Đồng Nai không thiếu thuốc, vật tư, hóa chất do đấu thầu mà thiếu thuốc do các đơn vị không có tiền để trả cho các nhà cung cấp dẫn đến nhiều nhà cung cấp cắt hàng hoặc cấp nhỏ giọt.
 
Nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị chưa được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và gặp khó khăn trong hoạt động là do cơ chế chính sách. Do đó, đề nghị các đơn vị vượt dự toán rà soát lại một lần nữa để làm giải trình nguyên nhân vượt dự toán, tổng mức thanh toán, kiến nghị BHXH hỗ trợ, giải quyết. Đồng thời, khẩn trương làm báo cáo công tác khám chữa bệnh BHYT theo Nghị quyết 144 để báo cáo với BHXH tỉnh giải quyết chi phí năm 2021 trước. Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, nghị quyết liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, là 1 trong 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, trước đây bệnh viện được giao 120 ngàn thẻ BHYT nhưng đến năm 2022 chỉ còn hơn 38 ngàn thẻ BHYT. Số thẻ BHYT được giao ít, dẫn đến bệnh nhân đến khám ít, nguồn thu của bệnh viện sụt giảm. Bệnh viện kiến nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh xem xét lại việc giao thẻ BHYT cho bệnh viện. Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh lại việc giao dự toán và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện, cần phải thực thanh, thực chi vì bệnh viện ngày càng phát triển, thực hiện ngày càng nhiều kỹ thuật cao, chi phí nhiều, không thể dậm chân hoạt động như những năm trước đó.
 
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy thông tin, với số tiền các đơn vị vượt dự toán năm 2018, BHXH tỉnh đã nỗ lực phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuyết minh lý do vượt dự toán. Kết quả, BHXH Việt Nam đã đồng ý thanh toán cho các đơn vị hơn 200 tỷ đồng, còn 65,6 tỷ đồng chưa được thanh toán là do các đơn vị không thuyết minh được lý do vượt dự toán phù hợp. Ngành BHXH rất chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành Y tế và đang tiếp tục phối hợp, kiến nghị BHXH Việt Nam và các cấp có thẩm quyền sửa đổi một số quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị sử dụng quỹ BHYT hợp lý, tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây