Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Để tránh những đáng tiếc

Thứ tư - 31/01/2024 08:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo BS ĐINH THỊ VÂN (Phó trưởng khoa phụ trách Khoa SKSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai), khám SKTHN, các cặp đôi sẽ khám các chức năng cơ bản, sức khỏe tâm thần, tình dục, sinh sản, làm xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở thai nhi cũng như làm các xét nghiệm về bệnh mãn tính.
(CTT-Đồng Nai) - Ở nhiều quốc gia, khi đăng ký kết hôn, cặp đôi phải xuất trình giấy khám sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN).
Một trường hợp khám sức khòe tiền hôn nhân
Một trường hợp khám sức khòe tiền hôn nhân

Tại Việt Nam đã có những đề xuất quy định bắt buộc khám SKTHN trước khi kết hôn, việc này nhằm bảo đảm cho cặp vợ chồng khỏe mạnh, đủ điều kiện duy trì chất lượng giống nòi, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc liên quan đến SKSS.

Chưa chú trọng khám SKTHN…

Mới đây, tại phiên thảo luận Quốc hội tháng 11-2023, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đề xuất nên bắt buộc khám SKTHN. Đề xuất này được đánh giá là rất quan trọng và cần thiết, để các cặp đôi không lâm vào tình trạng dở khóc dở cười sau khi kết hôn.

Thực tế cho thấy, đã có không ít cặp đôi sau khi kết hôn bị trục trặc về sức khỏe sinh sản (SKSS) hay bị những bệnh lý nguy hiểm, bệnh lý lây nhiễm khác ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự bền chặt của hôn nhân… Điển hình là câu chuyện một người phụ nữ ở TP. Long Khánh lấy chồng 4 năm không thấy mang thai, trong một lần đau bụng, đi khám bệnh thì được phát hiện người này mang hai giới tính: bộ phận sinh sản ngoài là nữ và bộ phận sinh sản trong lại là nam (thay vì có tử cung thì người này lại có tinh hoàn). Thực tế sự cố này hoàn toàn có thể tránh được nếu cặp đôi đi khám SKTHN.

Không ít cặp đôi chỉ sau cưới ít ngày đã phải ngậm ngùi chia tay hoặc sống cuộc đời dằn vặt vì những bệnh tật họ mang trên người đã ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng và còn mang đến “tai họa” cho người bạn đời của mình.

Chị N.N.Th. (ngụ P. Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) lấy chồng năm 23 tuổi và đã bị lây nhiễm HIV từ chồng của mình. Chị Th. cho biết, quen nhau hơn 1 năm hai người quyết định tiến tới kết hôn, thế nhưng trong một lần hiến máu ở cơ quan, chị Th. được thông báo bị nhiễm HIV. Như sét đánh ngang tai, chị đưa chồng cùng đi xét nghiệm và anh cũng dương tính với HIV. Truy ra thì không ai biết người nào lây cho người nào. Nhưng sau khi chị tra hỏi, chồng chị mới cho biết trước khi kết hôn, có lần người bạn rủ anh đi tăng 3 với một cô gái được cho là sinh viên làm thêm. Và chính cô này đã lây cho anh. Và thực tế, tình trạng nhiễm HIV rất dễ được phát hiện nếu trước đó họ đi khám SKTHN vì trong “gói” dịch vụ này có xét nghiệm HIV từ mẫu máu.

Cũng kết hôn chưa đầy 3 năm thì chị T.H.A. (ngụ P. Trung Dũng, TP. Biên Hòa) quyết định ly hôn chồng. Trước đây khi được mai mốt với một thanh niên ít nói, chị H.A nghĩ rằng, đàn ông thường ít nói. Thế nhưng khi về chung sống với nhau, chị mới biết chồng bị bệnh trầm cảm nặng. Anh lầm lầm lì lì, cả ngày không nói được mấy lời đêm thì thức và có lúc thì lại bùng lên những cơn giận dữ. Tìm hiểu ra, chị biết bên nhà chồng, anh không phải là người duy nhất có triệu chứng này, mà còn có ông nội, một ông chú chồng và một người em chồng. Sợ con sau này sinh ra cũng mang gien di truyền “tâm thần” như vậy, chị H.A. đã quyết định chia tay.

Cần chủ động khám SKTHN

Qua theo dõi nhiều video clip trên mạng xã hội chia sẻ về chuyên môn sản phụ khoa của BS Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) thì được biết, thời gian qua, bác sĩ này cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp gặp trục trặc về SKSS, nhất là tình trạng khó mang thai, chậm sinh con, thậm chí vô sinh do nhiều chị em không hiểu biết về SKSS, không được kiểm tra SKTHN nên khi về chung sống mới tá hỏa phát hiện bản thân hoặc người bạn đời của mình có những trục trặc về SKSS.

Nhiều năm làm chuyên môn sản phụ khoa, ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tâm sự, trong thời gian làm nghề, ông đã tiếp nhận nhiều ca sinh nhưng sản phụ bị suy thận, suy tim nặng, hẹp van tim. Đến lúc sinh con mới biết có bệnh, bởi trước khi kết hôn chưa từng khám sức khỏe. Những lúc đó, bác sĩ buộc phải lựa chọn rất đau lòng là cứu con hay cứu mẹ.

BS Đinh Thị Vân, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa SKSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, pháp luật chưa bắt buộc các cặp đôi trước khi kết hôn phải khám SKTHN. Tuy nhiên, việc khám SKTHN thực sự rất quan trọng và cần thiết nên chúng tôi khuyến cáo các cặp đôi nên dành thời gian và chi phí khám SKTHN để biết mình có bị “trục trặc” gì không, thậm chí phải có quyết định đau lòng, nhưng về sau sẽ không hối tiếc”.

Cũng theo BS Vân, hôn nhân là chuyện cả đời nên các cặp đôi trước khi kết hôn cần được chuẩn bị chu đáo cả về tâm lý và sức khỏe để tránh những hệ quả đáng tiếc sau này. Đặc biệt là nên khám SKSS để có đời sống tình dục viên mãn, thai kỳ an toàn, có những đứa con mạnh khỏe cũng như bảo vệ hạnh phúc gia đình bền lâu.

Hiện nay, tại các bệnh viện ở Đồng Nai hoặc những bệnh viện ở TP.HCM đều có những gói tư vấn, khám SKTHN với những mức giá khác nhau, trung bình từ 1-3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, cũng có thể hơn nếu phải thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) - người nêu đề xuất này cho hay, nếu đề xuất bắt buộc khám SKTHN được thông qua, khi ban hành quy định chính thức thì cần có lộ trình cũng như trợ giá gói khám SKTHN như đưa một phần vào quỹ BHYT chi trả. Hiện trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của khám SKTHN đến các cặp đôi trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

Tác giả: Lam Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây