(CTT-Đồng Nai) - Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2022, Việt Nam có khoảng 907 ngàn người mắc viêm gan C, song số người được chẩn đoán đến nay chỉ khoảng 59,7 ngàn trường hợp. Trong đó, số người được điều trị viêm gan C là 12,9 ngàn người và số người được điều trị khỏi bệnh là 12,5 ngàn người.

Siêu âm cũng là cách để phát hiện những bất thường trong cơ thể
Siêu âm cũng là cách để phát hiện những bất thường trong cơ thể
Đường lây truyền của viêm gan B, C
Bệnh viêm gan C do virus viêm gan C gây ra. Trong 3 loại virus là HIV, viêm gan C, viêm gan B thì viêm gan B là dễ lây nhất, sau đó đến viêm gan C và HIV là khó lây nhất.
Bệnh viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu, tương tự HIV. Nó thường được truyền qua đường quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiêm chích ma túy thông qua việc dùng chung kim tiêm. Ngoài ra, các đối tượng như người quan hệ đồng giới, phụ nữ bán dâm cũng có nguy cơ nhiễm viêm gan C.
Đặc biệt, virus viêm gan C có thể lây truyền khi đi xăm mày, xăm môi thẩm mỹ... Người sống chung nhà với bệnh nhân viêm gan C cũng có nguy cơ lây nhiễm do dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay,
Các bác sĩ cho biết, có 60% bệnh nhân không biết lý do vì sao bị viêm gan C. Hầu hết người mắc viêm gan C thường đi khám bệnh khi đã có triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da. Đây là giai đoạn muộn khi gan đã có biểu hiện xơ gan hoặc có biến chứng u gan.
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus, ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, hậu quả có thể gây suy gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến tử vong. Giống như virus HIV, bệnh lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con, không lây qua đường ăn uống.
BS Nguyễn Thị Đố, chuyên gia về gan, ký sinh trùng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao trên thế giới, ước tính có khoảng 10 triệu người bị viêm gan B, trong đó đường lây chủ yếu vẫn là đường lây từ mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khi mang thai không biết mình bị viêm gan B, không được theo dõi điều trị trong quá trình mang thai cũng như trẻ sinh ra không được tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh. Đứa trẻ từ khi sinh ra đã bị nhiễm virus viêm gan B thì có thể mang virus suốt đời, để lại hậu quả về bệnh tật và gánh nặng tâm lý rất nặng nề.

Xét nghiệm máu để biết bản thân có bị nhiễm viêm gan B, C hay không
Xét nghiệm máu để biết bản thân có bị nhiễm viêm gan B, C hay không
Điều trị ra sao?
Theo các chuyên gia, viêm gan C có thể sàng lọc phát hiện nhờ xét nghiệm máu, chi phí khoảng hơn 100 ngàn đồng. Chi phí chẩn đoán và điều trị từ 1,7 - 2,4 triệu đồng (bao gồm xét nghiệm đánh giá chức năng gan, tầm soát ung thư gan, tải lượng virus). Nếu như trước đây, người điều trị viêm gan C bằng thuốc tiêm trong một năm tốn đến hàng trăm triệu đồng thì hiện nay liệu trình điều trị viêm gan C là 3 tháng sẽ hết bệnh. Người bệnh có thể điều trị bằng thuốc uống trong 3 tháng với chi phí khoảng 24 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả đến 50%.
Đối với mắc bệnh viêm gan B, hiện nay đã có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Do đó, việc sàng lọc, phát hiện và quản lý người phụ nữ bị viêm gan B thời kỳ trước, trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh để đảm bảo trẻ sinh ra không bị nhiễm virus viêm gan B là việc làm rất quan trọng và cấp thiết hiện nay. Riêng về viêm gan C thì có thể chữa được bệnh nhưng hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Việc phòng bệnh của viêm gan C là thăm khám, chẩn đoán, phát hiện và chữa trị kịp thời khỏi bệnh để không lây cho cộng đồng.
Thế nhưng, các chuyên gia cũng cho hay, khó khăn lớn nhất trong phát hiện, dự phòng và điều trị viêm gan B, C là sự thiếu hiểu biết của người dân. Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế số người biết về viêm gan B chỉ chiếm 51%, còn 49% hoàn toàn không hiểu biết về vấn đề này, nên không có ý thức đi khám bệnh, phát hiện và điều trị bệnh. Phương pháp duy nhất để phát hiện ra bệnh viêm gan B, C là đi xét nghiệm. Do vậy, người dân nên đi xét nghiệm chủ động sàng lọc viêm gan B và C, ít nhất một lần trong đời, bởi lúc triệu chứng thể hiện rõ ra ngoài thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, việc điều trị bệnh khó khăn, chi phí cao và thời gian sống không lâu. Các xét nghiệm sàng lọc có độ nhạy, độ đặc hiệu rất tốt, 95 - 100%...
Đặc biệt đối với những người có người thân hoặc sống chung với người mắc bệnh viêm gan nên đi khám để sớm phát hiện bệnh. Trong quá trình điều trị, người mắc viêm gan phải tái khám theo đúng lịch hẹn để kiểm soát được những biến chứng của bệnh và tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra người bị viêm gan không nên uống rượu bia và thức đêm, nên tập luyện thể thao, ăn uống lành mạnh.