(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp tử vong, để lại di chứng do đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đây là 2 căn bệnh rất nguy hiểm có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Điều trị đột quỵ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán
Điều trị đột quỵ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán
160 ngàn người tử vong mỗi năm do đột quỵ
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, tại Việt Nam có gần 160 ngàn người tử vong vì đột quỵ do tắc mạch máu não, xuất huyết não. Cứ 3 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thì 2 người sẽ tử vong hoặc gặp các di chứng nặng cần người chăm sóc trong vòng 5 năm sau đột quỵ.
Với đột quỵ do xuất huyết, cứ 4 người thì 3 người tử vong hoặc để lại biến chứng, cần người chăm sóc trong nhiều năm. Còn với nhồi máu cơ tim, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 60% và cũng để lại tình trạng tàn phế, gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng báo động là tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa. 20% số bệnh nhân nhồi máu cơ tim trên thế giới dưới 40 tuổi. Theo giáo sư - tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, các bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân chỉ hơn 20 tuổi đến hơn 30 đã bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân là do thói quen ăn uống lạm dụng đồ ăn nhanh, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nước uống có ga của nhiều người trẻ. Ngoài ra, nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại, máy tính liên tục, làm việc căng thẳng với cường độ cao, ít vận động…
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhấn mạnh, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Đây là tỷ lệ rất cao và đáng lưu tâm. Có một số trường hợp bị đột quỵ chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng đa số người bệnh đột quỵ đều có một trong số các yếu tố nguy cơ.
“Người dân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân, thuốc lá, hạn chế rượu bia... Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể chất, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đột quỵ” - bác sĩ Quang lưu ý.
Đối với bệnh nhồi máu cơ tim, theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tới, khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, những nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch gồm: huyết áp cao, hút thuốc lá, đường máu cao, mỡ máu cao và béo phì. Do vậy, những người có các bệnh lý nền kể trên hoặc các yếu tố nguy cơ, trong đó có việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ
Dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ
Điều trị càng sớm càng tốt
Đồng Nai hiện có 4 bệnh viện có thể điều trị bệnh đột quỵ. Bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh và Đa khoa khu vực Định Quán. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán ở xa trung tâm nhất. Điều này giúp nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa khu vực Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất có thêm cơ hội được điều trị đột quỵ trong giờ “vàng”, giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật do đột quỵ.
Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho hay, sau gần 4 năm triển khai, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân bị đột quỵ. Với những bệnh nhân đột quỵ có tắc mạch máu nhỏ, bệnh viện giữ lại để điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết cho kết quả khả quan. Những bệnh nhân có tổn thương mạch máu lớn sẽ được chuyển lên 2 bệnh viện tuyến trên là Đa khoa Đồng Nai và Đa khoa Thống Nhất để được can thiệp nội mạch.
Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán sẽ triển khai điều trị thuốc tiêu sợi huyết đối với bệnh lý nhồi máu cơ tim.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ cũng đã được điều trị thành công trong giờ “vàng". Hội Đột quỵ thế giới đã trao chứng nhận Platinum (Bạch kim) cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau những kết quả mà bệnh viện đã đạt được.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, điều mà các bác sĩ lo ngại nhất đó là còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa hiểu rõ về bệnh đột quỵ. Có trường hợp thấy người thân có biểu hiện của bệnh đột quỵ lại tưởng bị trúng gió nên thực hiện cạo gió hoặc một số cách dân gian khác. Những cách này không chỉ không giúp ích cho bệnh nhân mà còn làm mất thời gian, giảm cơ hội được cứu chữa của người bệnh.
Bác sĩ Thành lưu ý, giờ “vàng” để điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết là trong vòng 4 giờ kể từ khi bệnh nhân khởi phát dấu hiệu của bệnh. Các dấu hiệu như: méo mặt, yếu liệt tay, bỗng dưng nói khó, nói ngọng, mất thăng bằng.
“Chúng tôi luôn lưu ý người dân khi thấy người thân có biểu hiện của bệnh đột quỵ phải gọi ngay cho cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt, giảm di chứng, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội” - bác sĩ Thành chia sẻ.