Những ngày gần đây, số
ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó có
nhiều trường hợp rơi vào sốc sốt xuất huyết, phải lọc máu, truyền dịch cao phân
tử.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh
sốt xuất huyết nặng phải điều trị tích cực tại bệnh viện
Mỗi người có thể mắc sốt
xuất huyết 4 lần trong đời
Các chuyên gia khuyến
cáo, mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời. Bệnh chưa có
vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị. Do đó, người dân cần tự giác, chủ động
phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình.
Phó Giám đốc
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh viện đang điều trị
nội trú cho 40 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có 12 ca sốt xuất huyết
dengue nặng.
Đang chăm con tại Khoa
Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Kết, 44
tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết, con trai ông năm nay 12 tuổi, nặng
53kg. Mấy ngày trước bé bị sốt cao, ói, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau 2
ngày điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhi có dấu hiệu trở nặng, huyết áp
tụt nên được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực chống độc để được thở oxy và
truyền dịch.
Theo ông Kết, cả 2 cha
con ông đang ở trọ trong dãy trọ khá chật hẹp, ẩm thấp, ban đêm 2 cha con ngủ
không bỏ mùng nên khả năng bị muỗi vằn đốt. Đáng lưu ý, bệnh nhi này đã từng mắc
sốt xuất huyết 1 lần vào năm ngoái.
Mới đây nhất, Khoa Hồi
sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân M.T.V.,
15 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, H.Tân Phú, được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa khu vực
Định Quán.
Người nhà bệnh nhi cho
biết, cách đây 1 tuần, bệnh nhi bị sốt cao, phụ huynh đưa đi khám tại một cơ sở
tư nhân trên địa bàn được chẩn đoán không phải sốt xuất huyết. 2 ngày sau đó, bệnh
nhi hết sốt nhưng lại bị tức bụng. Nghĩ con bị khó tiêu nên gia đình đi mua thuốc
cho con uống và chở đến cơ sở y tế tư nhân. Lúc này, bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất
huyết. Bệnh nhân sau đó rơi vào trạng thái mệt mỏi, ngất xỉu, được đưa đến Bệnh
viện Đa khoa khu vực Định Quán để truyền dịch trong gần 1 ngày.
BS Trần Lê Duy Cường,
Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho hay, trong thời gian truyền dịch
tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân bị tái sốc 1 lần, thở mệt, gắng sức, bụng
căng to do dịch thất thoát ra ổ bụng. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng
Đồng Nai để được thở oxy áp lực cao, truyền dịch cao phân tử, theo dõi huyết động
bằng monitor.
BS Cường cho biết thêm,
từ đầu năm đến nay, khoa đã tiến hành lọc máu cho 2 bệnh nhân bị sốc sốt xuất
huyết Dengue nặng, bị tổn thương đa cơ quan. Ngoài ra, có một số trường hợp phải
truyền đa phân tử, truyền thêm máu và các chế phẩm của máu, thở oxy…
BS Cường lưu ý, đã ghi
nhận trường hợp bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến nhiễm
Covid-19 (hậu Covid-19) nhiễm sốt xuất huyết. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu
hiện như sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, không uống nước được, mạch đập
nhanh, tay chân lạnh, huyết áp kẹp/tụt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh
viện để được chẩn đoán, chữa trị kịp thời.

Một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết điều trị tại
bệnh viện
Bệnh chưa có vaccine
BS Phan Văn Phúc, Trưởng
khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết,
sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian là muỗi vằn. Thời
tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt là điều kiện thuận
lợi cho sự phát triển của lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất
huyết. Hiện đã bước vào mùa mưa, là điều kiện tốt để muỗi sinh sôi, phát triển.
Do đó, số trường hợp mắc sốt xuất huyết dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời
gian tới. Bệnh sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng. Mỗi người có thể mắc sốt xuất
huyết đến 4 lần trong đời, tương ứng với 4 tuýp virus gây ra bệnh và lần mắc
sau thường nặng hơn lần mắc trước đó.
Nhằm giảm số ca bệnh sốt
xuất huyết, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh đang triển khai và chỉ đạo các Trung tâm y tế, trạm y tế
tăng cường các biện pháp theo dõi, xác minh ca bệnh, giám sát côn trùng tại các
xã, phường trọng điểm, xử lý triệt để các ổ dịch, cấp hóa chất phòng, chống sốt
xuất huyết, phun xịt thuốc diệt muỗi…
Các chuyên gia cảnh
báo, năm 2022 là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết. Do đó dự báo tình hình dịch
bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp. Bởi vậy, nhân viên y tế cần được cảnh báo
để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót ca bệnh, gây chậm trễ trong
việc điều trị. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được
tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhận biết
sớm dấu hiệu bệnh để đưa người bệnh đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, mỗi người dân,
mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị cần dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc,
sinh hoạt sạch sẽ, gọn gàng; thu dọn, không để vật có chứa nước đọng làm phát
sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai, chum đựng nước không cần dùng đến;
thay lọ nước hoa; thả cá vào bể nước để diệt lăng quăng; đậy kín lu, thùng đựng
nước khi không cần dùng đến. Ngoài ra, nên sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa
xua muỗi, vợt để vợt, tránh muỗi; mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày…
để tránh bị muỗi đốt.
Bảo Ngọc