Cứu sống bệnh nhân bị khó thở, suy đa cơ quan

Thứ hai - 26/08/2024 09:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark vừa cứu sống bệnh nhân P.T.L. (84 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch), nhập viện trong tình trạng khó thở, tăng tiết nhiều đàm, suy đa cơ quan.
Nhân viên y tế tại phòng chụp CT
Nhân viên y tế tại phòng chụp CT

Người nhà bệnh nhân cho biết, tình trạng của ông L. rất nặng, ông điều trị ở vài cơ sở y tế nhưng chưa thuyên giảm. Do ông có nhiều bệnh nền, lớn tuổi, sức yếu, nguy cơ không qua khỏi nên gia đình xin cơ sở y tế đang điều trị cho về nhà. Tuy nhiên sau đó gia đình lại đưa ông đến Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark khám, điều trị.

Tại đây, ông L. được nhập vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc và được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy ông L. bị suy hô hấp do viêm phổi nặng do vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa kháng thuốc, biến chứng sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan/ suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Sau đó, ông L. được thở máy qua nội khí quản, lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị. Sau ba tuần điều trị, người bệnh đã phục hồi tốt và đã được xuất viện.

BS CKII Vũ Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết, nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng rối loạn chức năng cơ quan đe dọa đến tính mạng, gây ra bởi một đáp ứng không điều chỉnh được với nhiễm trùng. Trong sốc nhiễm trùng, huyết áp bị tụt, tưới máu mô bị giảm nghiêm trọng và có thể gây suy cấp tính ở nhiều cơ quan như phổi, thận, gan, não...

Klebsiella pneumoniae là vi khuẩn gram âm, thường gây viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nó có thể gây hội chứng nhiễm trùng xâm lấn ở cùng lúc nhiều cơ quan khác: gan, thận, não - màng não, tim... Những người bệnh lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, nghiện rượu, ung thư, đang điều trị glucocorticoid, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bị nhiễm trùng nặng khi nhiễm vi khuẩn này.

Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn (hay mầm bệnh) có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh, làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Kết quả là các kháng sinh này trở nên không điều trị được bệnh. Nhiễm trùng do đó trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và tăng nguy cơ tử vong. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 700 ngàn người bệnh tử vong do kháng thuốc.

"Người bệnh lớn tuổi, có bệnh nền khi bị sốt nhiễm trùng cần đến ngay cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, để đạt hiệu quả cao nhất. Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế, người dân không nên tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi" - BS Tâm khuyến cáo.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây