(CTT-Đồng Nai) Cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám chữa bệnh, việc làm tốt công tác xã hội (CTXH) sẽ giúp bệnh viện tạo dựng được uy tín và niềm tin với người bệnh. CTXH cũng góp phần kết nối yêu thương, trao liều thuốc tinh thần cho những mảnh đời khó khăn…

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến trao quà cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến trao quà cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Đây là hoạt động đã được các bệnh viện chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân vô gia cư hoặc không có thân nhân đã được hỗ trợ chi phí điều trị, hỗ trợ trong thời gian nằm bệnh viện. Nhiều người sau khi điều trị khỏi còn được phòng CTXH của bệnh viện liên hệ với các trung tâm bảo trợ, nhà mở, mái ấm để lo nơi ăn, chốn ở.
“Những tấm lòng vàng” trong bệnh viện
Ông Trung Văn Anh (Thị trấn Tân Phú, H.Tân Phú) là một bệnh nhân đã may mắn được Bệnh viện Đồng Nai giúp đỡ. Theo lời ông Anh, ông bị đau khớp háng hơn 1 năm và được khuyên là nên đi khám và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Anh sợ mình không “kham” nổi chi phí điều trị nên đã tìm đến các thầy thuốc nam ở gần nhà để lấy thuốc với chi phí 150 ngàn đồng/ lần.
Lâu ngày, bệnh tình ông không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, chân bị teo lại, đau nhức và không đi được. Lúc này, ông mới đi khám ở Bệnh viện Đồng Nai. Qua chụp MRI, các bác sĩ xác định ông Anh bị hoại tử chỏm xương đùi cả 2 bên và yêu cầu ông nhập viện điều trị. Ông Anh cùng gia đình trình bày khó khăn của mình nên đã được hướng dẫn các thủ tục để được hỗ trợ. Theo đó, Phòng CTXH đã sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ viện phí của Tổng Công ty Sonadezi để giúp ông thanh toán chi phí phẫu thuật thay khớp háng.

Ông Nguyễn Phú Thiện được hỗ trợ chi phí điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Ông Nguyễn Phú Thiện được hỗ trợ chi phí điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Vừa tỉnh dậy không lâu sau khi hôn mê bất tỉnh, ông Nguyễn Phú Thiện, một bệnh nhân vô gia cư không kìm được nước mắt khi chia sẻ với phóng viên. Ông Thiện cho hay, do mới tỉnh lại nên ông chưa nhớ ra mình quê ở đâu. Ông chỉ biết rằng bản thân bị tai nạn đột quỵ rồi được đưa vào bệnh viện điều trị. “Khi mới vào bệnh viện, đi vệ sinh toàn ra máu. Các bác sĩ chạy chữa cho, đến khi mở mắt ra, tỉnh dậy mới biết bản thân còn sống”, ông Thiện xúc động cho biết.
Là người vô gia cư lại nhập viện trong tình trạng bệnh tình nặng, mọi chi phí điều trị, thuốc men của ông đều được Phòng CTXH của Bệnh viện Đồng Nai sử dụng từ các nguồn quỹ do phòng quản lý để chi trả. Sau khi tình trạng sức khỏe của ông Thiện ổn định, Phòng CTXH sẽ hoàn tất hồ sơ để chuyển ông về một cơ sở bảo trợ trên địa bàn tỉnh.
Ông Thiện tâm sự: “Bản thân tôi cũng không dám mong gì hơn là có được 1 chỗ để ở, có cơm để ăn hằng ngày. Nếu sức khỏe bình phục thì có thể phụ giúp được ai việc gì thì hay việc đó”.

Bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được bệnh viện hỗ trợ
Bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được bệnh viện hỗ trợ
Kết nối mạnh thường quân
Theo ThS. Nguyễn Như Giao, Trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện hiện có 3 nguồn quỹ để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, gồm: Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư của MTTQVN tỉnh, quỹ hỗ trợ viện phí khám - chữa bệnh của UBND tỉnh, nguồn hỗ trợ viện phí của Tổng Công ty Sonadezi.
Chương trình phối hợp giữa Tổng Công ty Sonadezi và Bệnh viện Đồng Nai để hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện đã thực hiện được 5 năm. Trong vòng 5 năm, 2 bên đã phối hợp hỗ trợ cho hơn 400 bệnh nhân với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài những hình thức hỗ trợ trên, nếu bênh nhân khó khăn mà không nằm trong tiêu chí hỗ trợ của những nguồn quỹ mà bệnh viện đang quản lý thì bệnh viện giải quyết bằng nguồn tiền của bệnh viện.
ThS. Nguyễn Như Giao chia sẻ: “Là Bệnh viện tuyến tỉnh nên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai gặp rất nhiều bệnh nhân vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, bệnh nhân không giấy tờ tùy thân… Do đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các trung tâm công tác xã hội, mái ấm để chuyển các bệnh nhân không có nhà ở đến những cơ sở này sau khi đã được điều trị, phục hồi. Bệnh nhân nghèo đến bệnh viện sẽ luôn được giúp đỡ, không bằng tiền của các nguồn quỹ thì bệnh viện cũng sẽ lo, quan tâm về y tế, về viện phí, về chỗ ở, cuộc sống sau này”.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng là đơn vị làm rất tốt khâu kết nối với các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân để hỗ trợ cho bệnh nhi. Không chỉ vào các ngày lễ lớn, những dịp đặc biệt, cứ định kỳ, nhiều mạnh thường quân đều đến thăm trẻ và trao một phần thu nhập của mình để chia sẻ gánh nặng cho gia đình bệnh nhi. Trong đó, có không ít mạnh thường quân chủ động liên lạc với Phòng CTXH của bệnh viện để được kết nối trực tiếp trao quà, giúp đỡ bệnh nhi khó khăn.
Không chỉ quan tâm đến việc chăm sóc y tế, điều trị cho người bệnh, Phòng CTXH của các bệnh viện còn chủ động chăm lo nơi ăn, chốn ở cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt sau khi họ đã phục hồi.
Tại bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện đã tổ chức bếp ăn tình thương để hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn, bệnh nhân ở xa điều trị dài ngày và người nhà người bệnh. Hiện tại, bếp triển khai nấu ăn thường xuyên, có thời điểm cung cấp đến 1 ngàn suất ăn mỗi tuần cho người bệnh. Kinh phí hoạt động bếp ăn được huy động từ cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện.
Phần cơm tuy đơn giản nhưng đã làm ấm lòng nhiều người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại bệnh viện.
Bà Phan Thị Hạ Quyên (H. Thống Nhất) cho biết, bà bị bệnh phổi, đã nằm viện suốt 8 tháng. Những lần được ăn cơm của bếp ăn tình thương đối với bà là những bữa cơm ngon, sạch sẽ.
Bên cạnh việc huy động nguồn lực từ cán bộ, nhân viên, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân để có thể hỗ trợ thêm ngày càng nhiều phần ăn cho người bệnh và thân nhân người bệnh.