Cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn vì không đủ tiền mua thuốc

Thứ năm - 08/12/2022 09:42
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Do thiếu tiền để trả cho các nhà cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất nên nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, Trung tâm y tế được cấp thuốc ít hơn so với trước thì không hài lòng bởi có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, nhà ở xa, việc đi lại rất khó khăn.

Nhân viên y tế tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Thuốc giảm đau là một trong những mặt hàng thiết yếu của các cơ sở y tế
Nhân viên y tế tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Thuốc giảm đau là một trong những mặt hàng thiết yếu của các cơ sở y tế

Các công ty dược cung ứng thuốc nhỏ giọt

Bà Phạm Thị Chuyên, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm y tế H. Trảng Bom (Trung tâm) cho biết, năm 2018, Trung tâm được giao tổng dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 40,8 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí phát sinh thực tế đã trừ cho các đợt bị xuất toán BHYT là 58,4 tỷ đồng. Nhưng BHXH Việt Nam chỉ duyệt số tiền 43 tỷ đồng dẫn đến Trung tâm bị vượt kinh phí 14,6 tỷ đồng.
Qua rất nhiều lần giải trình, đến nay BHXH Việt Nam đã thanh toán cho Trung tâm 13,4 tỷ đồng, còn 1,2 tỷ đồng chưa được thanh toán. Thế nhưng, trong số 14,6 tỷ đồng được đề nghị thanh toán, BHXH Việt Nam không tính số tiền 5,6 tỷ đồng vào tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT những năm tiếp theo cho Trung tâm dẫn đến đơn vị bị vượt tổng mức thanh toán từ năm 2019 đến 9 tháng của năm 2022 là 26,3 tỷ đồng.
 
Do chưa được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nên Trung tâm hiện đang nợ các công ty cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế số tiền 22,3 tỷ đồng. Vì công nợ quá hạn nên hầu hết các nhà cung cấp đã từ chối cung cấp thuốc, vật tư y tế, hóa chất cho đơn vị. Khoa Dược của Trung tâm có làm việc với các nhà cung cấp thì họ chỉ cấp nhỏ giọt một số mặt hàng thiết yếu, không đảm bảo nhu cầu hoạt động của đơn vị.
Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9-2022, tổng phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT tại Trung tâm là 34 tỷ đồng nhưng BHXH mới chỉ tạm ứng 22 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 9-2022, Trung tâm đã bỏ ra tổng số tiền 29,5 tỷ đồng để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT mà chưa nhận lại được chi phí này nên rất khó khăn cho đơn vị.
 
“Từ năm 2020, Trung tâm không có nguồn để chi lương tăng thêm và thưởng cho cán bộ, nhân viên. Thu nhập giảm là một trong số những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế của Trung tâm nghỉ việc” - bà Chuyên nói.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, số tiền vượt dự toán của năm 2018 là hơn 12 tỷ đồng, trong đó đã được thanh toán 11 tỷ đồng, còn hơn 1,2 tỷ đồng chưa được thanh toán. Trong 2 năm tiếp theo, bệnh viện cũng bị vượt tổng mức thanh toán. Riêng năm 2021, bệnh viện bị vượt tổng mức 9,6 tỷ đồng, đã được tạm ứng 4 tỷ đồng, còn 5,3 tỷ đồng chưa được thanh toán.

Nhân viên y tế tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Nhân viên y tế tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Đơn vị không đảm bảo hoạt động

BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế H.Trảng Bom cho hay, năm 2018, Trung tâm thực hiện thêm một số kỹ thuật mới như: Chạy thận nhân tạo, mổ nội soi…, tổng kinh phí sử dụng là 58,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên năm sau đó, đơn vị lại được giao tổng dự toán thấp hơn số thực chi của năm 2018 khoảng 5 tỷ đồng. Đến khi thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về Luật BHYT thì năm 2022 chỉ còn khoảng 34 tỷ.

“Sau 5 năm, từ một đơn vị làm nhiều kỹ thuật, bệnh đông, đến nay mức giao dự toán ngày càng giảm thì làm sao đơn vị duy trì hoạt động bình thường được và đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức? Bác sĩ nào khi ra 1 toa thuốc cũng đau đầu suy nghĩ liệu có bị xuất toán hay không, có bị vượt tổng mức hay không. Nhà nước đang có chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở nhưng với cách tính của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP​ như hiện nay thì tổng mức thanh toán của các đơn vị sẽ ngày càng giảm. Như thế thì làm sao mà duy trì, nói gì đến phát triển” - BS Phước đặt câu hỏi.

Một bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm y tế H. Trảng Bom chia sẻ, mỗi ngày đến Trung tâm, chị đều phải đấu tranh tư tưởng và không biết khi nào sẽ đến lượt mình nghỉ việc. Trước đây, với mức thu nhập thấp, nữ bác sĩ này đã cố gắng để gắn bó với đơn vị nhưng đến nay, tình trạng thiếu thuốc diễn ra ngay trước mắt khiến chị không đành lòng.
Nữ bác sĩ tâm sự, với những bệnh mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, viêm gan B, suy giãn tĩnh mạch, bướu cổ, trước đây bác sĩ sẽ kê ít nhất là 15-28 ngày thuốc. Nhưng đến nay, do thiếu thuốc nên bác sĩ chỉ kê được từ 7-10 ngày, có những loại mà trung tâm không còn, bác sĩ phải kê để bệnh nhân ra ngoài mua.

“Có những bệnh nhân 90 tuổi năn nỉ bác sĩ kê cho 1 tháng thuốc vì cụ đi xe ôm từ nhà đến Trung tâm hết 100 ngàn đồng, nếu chỉ lấy được 10 ngày thuốc thì 10 ngày sau cụ lại phải mất thêm 100 ngàn đồng để đi xe ôm đến Trung tâm lấy thuốc. Nghe cụ nói mà tôi rớt nước mắt, dù không dư giả nhưng tôi cũng rút 200 ngàn đồng trong túi để đưa cho cụ, nói cụ ra ngoài mua thêm thuốc” - nữ bác sĩ ngậm ngùi.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây